hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 08/04/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp để nhận tiền nhanh nhất?

Khi rơi vào tình trạng không có việc làm, được nhận trợ cấp từ quỹ bảo hiểm xã hội sẽ giúp người lao động trang trải sinh hoạt phí, từ đó tạo điều kiện cho họ tìm kiếm công việc mới. Bài viết này sẽ chia sẻ về thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp và một số vấn đề khác để giúp người lao động nhận tiền nhanh chóng hơn.

Mục lục bài viết
  • Thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động cần những giấy tờ gì?
  • Nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp ở đâu?
  • Quy trình thực hiện thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp
  • Có thể làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp online được không?
  • Chia sẻ một số kinh nghiệm để nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp nhanh nhất

Thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động cần những giấy tờ gì?

Theo Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP cùng khoản 6 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP, thành phần hồ sơ để nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp gồm:

- Đơn đề nghị lĩnh trợ cấp thất nghiệp;

- Bản chính (hoặc bản sao công chứng, bản sao kèm bản chính) một trong các loại giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt quan hệ lao động:

  • Hợp đồng đã hết hạn;
  • Quyết định thôi việc;
  • Quyết định sa thải;
  • Quyết định kỷ luật buộc thôi việc người lao động;
  • Thông báo (thỏa thuận) chấm dứt hợp đồng giữa người lao động và người sử dụng lao động;
  • Xác nhận chấm dứt quan hệ lao động, trong đó cần có: thông tin người lao động; loại hợp đồng đã ký; thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động; lý do chấm dứt.
  • Xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc phá sản doanh nghiệp/hợp tác xã hoặc quyết định miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức đối với người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã;
  • Đối với người lao động ký hợp đồng mùa vụ hoặc hợp đồng theo công việc nhất định từ đủ 03 - dưới 12 tháng thì cần giấy xác nhận chấm dứt hợp đồng (bản chính hoặc bản sao có chứng thực).

- Sổ bảo hiểm xã hội của người lao động.

*Lưu ý: 

(1): Người đủ điều kiện để làm hồ sơ nêu trên cần đáp ứng được các điều kiện nêu tại Điều 49 Luật Việc làm, cụ thể:

- Đã chấm dứt hợp đồng lao động (trừ trường hợp: người lao động đang nhận lương hưu, đang nhận trợ cấp mất sức hoặc đơng phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật;

- Đã có đủ từ 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian từ 24 – 36 tháng (tùy từng loại hợp đồng) trước khi nghỉ việc;

- Nộp hồ sơ xin trợ cấp đúng hạn;

- Sau 15 ngày kể từ ngày làm hồ sơ hưởng trợ cấp mà không tìm được việc làm mới (trừ trường hợp: đi định cư nước ngoài, xuất khẩu lao động, chấp hành hình phạt tù…).

(2): Khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm 2013 đã chỉ rõ, người lao động có thời hạn 03 tháng kể từ khi kết thúc hợp đồng để nộp tài liệu cần thiết tại trung tâm dịch vụ việc làm. Cho nên, nếu quá thời hạn mà người lao động không làm thủ tục thì sẽ bị mất quyền lợi.

Nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp ở đâu?

Căn cứ nội dung Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, người lao động có thể mang hồ sơ xin lĩnh trợ cấp đến trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh/thành phố nơi người lao động mong muốn nhận trợ cấp.

Ví dụ, bạn làm việc tại Thái Bình thì sau khi nghỉ việc có thể tới Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh để nộp hồ sơ theo quy định.

*Lưu ý: Người lao động có thể nộp hồ sơ tại các trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh/thành phố khác, miễn sao thuận tiện cho quá trình nhận trợ cấp và nộp giấy tờ hằng tháng (ví dụ: thông báo tìm việc làm). Nếu đã nộp hồ sơ tại trung tâm ở tỉnh A nhưng muốn về quê nhận trợ cấp thì cũng có thể chuyển nơi nhận trợ cấp.

Quy trình thực hiện thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp

Căn cứ mục 3 Chương IV Nghị định 28/2015/NĐ-CP, trình tự hưởng bảo hiểm được thực hiện như sau:

Bước 1. Người lao động nộp hồ sơ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động tại trung tâm dịch vụ việc làm.

Bước 2. Nhận Quyết định hưởng trợ cấp đúng ngày được ghi trên phiếu hẹn trả kết quả.

Bước 3. Nhận trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên trong vòng 05 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định nêu trên.

Bước 4. Thực hiện thủ tục thông báo tìm việc làm tại trung tâm dịch vụ việc làm hằng tháng.

thu tuc huong bao hiem that nghiep 2023
Hướng dẫn thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp 2023 

Có thể làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp online được không?

Căn cứ nội dung hướng dẫn nêu tại công văn 1399/LĐTBXH-VL của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ ngày 04/05/2022 người lao động có thể làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp qua mạng bằng cách đăng nhập và kê khai, nộp hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Như vậy, ngoài hình thức nộp hồ sơ giấy trực tiếp hoặc qua bưu điện đến Trung tâm dịch vụ việc làm, người lao động có thể hưởng bảo hiểm cấp thất nghiệp online.

Chia sẻ một số kinh nghiệm để nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp nhanh nhất

(1) - Nhanh chóng lấy sổ bảo hiểm:

Theo khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm năm 2013, người lao động có 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động để nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp.

Tuy nhiên, rất nhiều người lao động bị mất quyền lợi bởi vì lý do rất phổ biến là không chốt được sổ bảo hiểm cho do doanh nghiệp, tổ chức nợ tiền bảo hiểm. Đây là một trong những tài liệu bắt buộc khi làm thủ tục đề nghị lĩnh trợ cấp mà pháp luật yêu cầu, nếu không có thì đương nhiên là hồ sơ sẽ bị từ chối.

Để khắc phục tình trạng này, người lao động có 02 cách:

  • Trao đổi với bên sử dụng lao động nhanh chóng hoàn thiện thủ tục;
  • Viết đơn báo cáo cho Thanh tra lao động can thiệp, giúp đỡ.

(2) - Điền mẫu 03 chính xác:

Mẫu 03 (tên đầy đủ là giấy Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp) là văn bản được ban hành tại Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH. Đây không phải là tờ khai khó điền, nhưng khi kê khai trên mẫu 03 ngày thì cần lưu ý:

  • Chữ viết rõ ràng, hạn chế gạch xóa, không ghi đè thông tin;
  • Thông tin kê khai phải thống nhất với các hồ sơ khác đi kèm (Ví dụ: Hợp đồng lao động, Quyết định thôi việc…);
  • Nên kê khai trước khi đến nơi nộp hồ sơ (thay vì đến trung tâm dịch vụ việc làm rồi mới điền).

(3) - Tới trung tâm dịch vụ việc làm đầu giờ làm việc:

  • Đối với những nơi có số lượng lao động lớn (ví dụ: thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương, Bắc Ninh…) thì nhu cầu giải quyết trợ cấp thất nghiệp cũng cao. Do vậy, bạn nên đến trước giờ làm việc và chờ xếp hàng để được giải quyết nhanh chóng.
  • Tìm hiểu, tham khảo lịch làm việc của trung tâm dịch vụ việc làm nơi bạn nộp hồ sơ bắt đầu hoạt động từ mấy giờ, có làm thứ 7 không…trước để sắp xếp thời gian nộp hợp lý.

Kinh nghiệm nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp nhanh nhất?Kinh nghiệm nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp nhanh nhất?

Giải đáp một số câu hỏi khác về thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Giấy tờ hưởng bảo hiểm thất nghiệp có cần công chứng không?

Theo Điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP), những giấy tờ xác nhận việc chấm dứt quan hệ lao động giữa các bên liên quan phải là bản chính hoặc bản sao.

Vậy cũng có nghĩa là, nếu bạn nộp bản photocopy đối với quyết định sa thải, hợp đồng lao động hết hạn hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng… thì phải mang thêm giấy tờ gốc đi để cán bộ tiếp nhận kiểm tra và đối chiếu.

Trong trường hợp muốn giữ lại giấy tờ bản chính, người lao động trước khi nộp hồ sơ có thể ra các văn phòng công chứng để sao y bản chính.

Nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp bao lâu thì nhận được tiền?

Căn cứ Điều 18 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, lịch gửi tiền trợ cấp thất nghiệp cho người lao động được quy định như sau:

- Thời hạn hưởng trợ cấp cho tháng đầu tiên: tối đa 25 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nộp hồ sơ (đầy đủ giấy tờ và hợp lệ) lên trung tâm dịch vụ việc làm. Thời gian này bao gồm:

  • Nhận Quyết định hưởng trợ cấp: 20 ngày làm việc;
  • Nhận tiền trợ cấp: sau 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định nói trên.

- Thời điểm lĩnh trợ cấp cho những tháng tiếp theo: trong vòng 05 ngày làm việc tính từ ngày thứ 07 của tháng nếu người lao động không bị tạm dừng hay chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.

*Lưu ý: Nếu ngày nhận tiền (thứ 07 nêu trên) rơi vào ngày nghỉ (Tết, lễ, Chủ nhật…) thì thời điểm chi trả trợ cấp thất nghiệp sẽ tính từ ngày làm việc tiếp theo.

Có thể nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp ở đâu Hà Nội?

Hà Nội là một trong những nơi có số lượng lao động rất lớn, nên để được giải quyết trợ cấp thất nghiệp nhanh chóng thì người lao động có thể đến một trong số những địa điểm sau:

- Số 215 Phố Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy;

- Số 144 Trần Phú, quận Hà Đông;

- Trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật Bắc Thăng Long tại Thôn Bầu, xã Kim Chung, Đông Anh;

- Số 6 đường Cổ Bi, Gia Lâm;

- Số 18 đường Nguyễn Cơ Thạch, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm;

- Ngõ 161 Hoa Lâm, Việt Hưng, quận Long Biên;

- Thôn Miếu Thờ, xã Tiên Dược, Sóc Sơn, Hà Nội (gần trường Trung cấp An Ninh);

- Trung tâm hành chính huyện Mê Linh (Xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội);

- Số 108 đường Hùng Nguyên, huyện Thường Tín;

- Trung tâm Quỹ đất huyện Ứng Hòa: Số 59 Lê Lợi, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa;

- Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Ba Vì: quốc lộ 32, thôn Vật Phụ, xã Vật Lại, huyện Ba Vì;

- Tầng 1 Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Hoài Đức: Khu 6 Thị trấn trạm Trôi, huyện Hoài Đức;

- Trường Trung cấp nghề số 1 Hà Nội: Tiểu khu Phú Mỹ, huyện Phú Xuyên;

- Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Đan Phượng: Số 101 Tây Sơn, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng;

- Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Thạch Thất.

Người lao động có thể nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp ở đâu Hà Nội?

Người lao động có thể nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp ở đâu Hà Nội?

Có thể nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp ở đâu Nghệ An?

Nếu sinh sống ở Nghệ An, người lao động có thể nộp hồ sơ lĩnh trợ cấp thất nghiệp tại số 201, đường Phong Định Cảng, phường Trường Thi, TP.Vinh. Đây chính là địa chỉ Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh.

Ngoài ra, trong trường hợp đã làm việc ở tỉnh khác nhưng có nhu cầu về quê nhận trợ cấp sau khi nghỉ việc, người lao động thực hiện thủ tục chuyển địa điểm nhận trợ cấp về Nghệ An.

Có thể nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp ở đâu HCM?

Tại thành phố Hồ Chí Minh, người lao động có thể lựa chọn một trong số những địa điểm sau để nộp giấy tờ xin lĩnh trợ cấp thất nghiệp:

- Trụ sở chính: số 106/14D Điện Biên Phủ, phường 17, quận Bình Thạnh (có thể đi từ Hẻm 236 Điện Biên Phủ hoặc hẻm 18 Nguyễn Cửu Vân vào);

- Trung tâm dạy nghề Tân Bình: 456 Trường Chinh, phường 13, quận Tân Bình;

- Sân tập lái xe Trung An: Đường 458 ấp Thạnh An, huyện Củ Chi;

- Quận 12: Trường Trung cấp Bách Khoa, số 802-804 đường Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận;

- Quận 9: Trường Trung cấp Nghề Lê Thị Riêng, số 01 đường số 9, phường Phước Bình;

- Quận 6: Trung tâm dạy nghề Quận 6, số 743/34 Hồng Bàng;

- Quận 4: Trung tâm dạy nghề Quận 4, số 249 Tôn Đản.

Thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp có ủy quyền được không?

Nội dung khoản 3 Điều 29 Nghị định 28/2015/NĐ-CP đã nêu rõ, người lao động được phép ủy quyền nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người khác trong một số trường hợp nhất định.

Cụ thể, tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, người lao động được nhờ người khác làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu:

- Bị ốm đau hoặc đang trong thời gian thai sản;

- Bị tai nạn;

- Gặp sự cố bất khả kháng (dịch bệnh, lũ lụt, hỏa hoạn…).

Bên cạnh đó, người lao động rơi vào một trong các trường hợp nêu trên cũng có thể ra bưu điện để nộp hồ sơ gửi đến trung tâm dịch vụ việc làm mà mình muốn nhận trợ cấp.

Nếu không thuộc các trường hợp đặc biệt nói trên thì người lao động bắt buộc phải trực tiếp thực hiện thủ tục, nộp hồ sơ cho trung tâm dịch vụ việc làm thì mới được giải quyết trợ cấp thất nghiệp.

*Lưu ý:

- Theo khoản 1 Điều 17 Luật Việc làm, người lao động có 03 tháng sau khi chấm dứt hợp đồng lao động để nộp hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp.

- Trường hợp ủy quyền nộp hồ sơ, ngày nộp sẽ được tính là ngày mà người được ủy quyền đến trực tiếp trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện thủ tục.

Nếu người lao động ra bưu điện nộp hồ sơ thì ngày nộp hồ sơ sẽ tính theo ngày ghi trên dấu bưu điện.

Thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp có thể ủy quyền hoặc nộp qua bưu điện
Thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp có thể ủy quyền hoặc nộp qua bưu điện

Có cần sổ tạm trú khi làm hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp?

Căn cứ Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 61/2020/NĐ-CP) cơ quan bảo hiểm chỉ yêu cầu người lao động nộp tài liệu, giấy tờ chứng minh đã đủ điều kiện được nhận trợ cấp (ví dụ: đã kết thúc hợp đồng lao động, đã tích lũy đủ thời gian đóng bảo hiểm…) chứ không cần sổ tạm trú.

Làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp có mất phí gì không?

Người lao động thực hiện thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm sẽ không phải nộp lệ phí.

Trên đây là một số thông tin liên quan đến thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Nếu còn câu hỏi khác, xin vui lòng gọi đến hotline  19006192 để được tư vấn và hỗ trợ thêm.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X