hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 20/09/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Thủ tục khai nhận di sản thừa kế: Làm ở đâu? Hồ sơ thế nào?

Khi nhận thừa kế của người chết để lại, những người thừa kế phải tiến hành làm thủ tục nhận thừa kế tại cơ quan có thẩm quyền. Một trong các thủ tục phổ biến là thủ tục khai nhận di sản thừa kế.

Câu hỏi: Bố mẹ tôi mất có để lại một miếng đất cho tôi và các anh, chị em. Khi ra văn phòng công chứng, sau khi trình bày thì công chứng viên ở đó bảo chúng tôi làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế. Vậy cho tôi hỏi, thủ tục này thực hiện thế nào?

Trả lời:


Trường hợp nào khai nhận di sản thừa kế?

Theo khoản 1 Điều 58 Luật Công chứng, việc công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế được quy định như sau:

Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.

Từ quy định này, có thể thấy, việc khai nhận di sản thừa kế được thực hiện trong hai trường hợp:

- Chỉ có một người thừa kế duy nhất hưởng di sản thừa kế do người chết để lại theo pháp luật.

- Di sản có nhiều người cùng được hưởng và những người này thỏa thuận không phân chia di sản đó.

Như vậy, khi hai đối tượng nêu trên có yêu cầu thì tổ chức hành nghề công chứng sẽ thực hiện công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế.

thu tuc khai nhan di san thua ke
Khai nhận di sản thừa kế thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng (Ảnh minh họa)

Hướng dẫn thủ tục khai nhận di sản thừa kế chi tiết nhất

Việc khai nhận di sản thừa kế được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật Công chứng. Cụ thể:

Việc công chứng văn bản khai nhận di sản được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 57 của Luật này.

Theo đó, thủ tục khai nhận di sản thừa kế được thực hiện như sau:

Hồ sơ cần chuẩn bị

Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 57 Luật Công chứng, hồ sơ yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế gồm:

- Phiếu yêu cầu công chứng (theo mẫu của cơ quan thực hiện công chứng).

- Giấy tờ nhân thân gồm: Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc hộ chiếu, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú...

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy đăng ký xe… (với di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản phải đăng ký quyền sở hữu).

- Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người hưởng di sản như: Giấy khai sinh, đăng ký kết hôn, quyết định nhận con nuôi…

- Giấy chứng tử của người đã chết bao gồm người để lại di sản thừa kế và các người thừa kế khác (nếu đã chết).

- Hợp đồng ủy quyền (nếu các đồng thừa kế không thể cùng có mặt tại một nơi để ký văn bản khai nhận di sản thừa kế).

- Dự thảo văn bản khai nhận di sản thừa kế (nếu có).

Cơ quan công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế

Như quy định tại Điều 58 Luật Công chứng, người yêu cầu công chứng có thể yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản tại tổ chức hành nghề công chứng. Trong đó, theo khoản 5 Điều 2 Luật Công chứng, tổ chức hành nghề công chứng gồm:

- Văn phòng công chứng.

- Phòng công chứng.

thu tuc khai nhan di san thua ke
Được chọn khai nhận thừa kế tại phòng hoặc văn phòng công chứng (Ảnh minh họa)

Thời gian giải quyết

Thời hạn thực hiện công chứng là từ khi nhận được yêu cầu và thụ lý hồ sơ yêu cầu công chứng cho đến ngày trả kết quả.

Thời hạn này nêu tại khoản 2 Điều 43 Luật Công chứng là 02 ngày làm việc. Với hợp đồng, giao dịch phức tạp thì có thể kéo dài thời hạn này nhưng không quá 10 ngày làm việc.

Tuy nhiên, đáng chú ý rằng, theo khoản 1 Điều 43 Luật Công chứng:

Thời gian xác minh, giám định nội dung liên quan đến hợp đồng, giao dịch, niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản, dịch giấy tờ, văn bản không tính vào thời hạn công chứng.

Trong khi đó, khoản 3 Điều 57 Luật Công chứng nêu rõ:

Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng.

Như vậy, ngoài thời gian niêm yết thì việc công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế sẽ được thực hiện từ 02 - 10 ngày.

Việc niêm yết văn bản khai nhận di sản thừa kế thực hiện theo Điều 18 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP. Trong đó:

- Thời gian niêm yết: 15 ngày.

- Địa điểm niêm yết: Tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản. Nếu không xác định được thì tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó. Đặc biệt, nếu di sản là bất động sản thì còn phải niêm yết tại Ủy ban nhân dân xã nơi có bất động sản.

- Người đi niêm yết: Tổ chức hành nghề công chứng.

- Nội dung niêm yết: Ghi rõ họ, tên của người để lại di sản; họ tên người khai nhận di sản; quan hệ giữa người để lại di sản và người khai nhận di sản; danh mục di sản thừa kế. Đặc biệt phải ghi rõ:

Nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót, giấu giếm người được hưởng di sản thừa kế; bỏ sót người thừa kế; di sản thừa kế không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản thì khiếu nại, tố cáo đó được gửi cho tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc niêm yết.

Như vậy, căn cứ các quy định trên, thời gian giải quyết khai nhận thừa kế dao động từ 17 - 25 ngày.

Phí và thù lao

Khi thực hiện công chứng sẽ có hai khoản người yêu cầu công chứng phải nộp là phí công chứng và thù lao công chứng.

- Phí công chứng được xác định theo giá trị tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC. Nếu giá trị dưới 50 triệu đồng thì phí công chứng là 50.000 đồng; nếu giá trị từ 50 - 100 triệu đồng thì phí công chứng là 100.000 đồng…

Xem thêm: Tổng hợp phí công chứng mới nhất

- Thù lao công chứng: Đây là khoản tiền trả cho tổ chức hành nghề công chứng để soạn hợp đồng, đánh máy, sao chụp, dịch giấy tờ, văn bản… và do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành mức trần. Các tổ chức hành nghề công chứng xác định thù lao theo từng loại việc không vượt quá mức trần này (căn cứ Điều 67 Luật Công chứng).

Trên đây là quy định về thủ tục khai nhận di sản thừa kế chi tiết nhất. Nếu còn băn khoăn, bạn đọc có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ sớm nhất.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X