Khi Luật Cư trú 2020 có hiệu lực từ ngày 01/7/2021, điều kiện nhập khẩu tại Hà Nội cũng như các thành phố trực thuộc trung ương cũng trở nên đơn giản hơn. Vậy, thủ tục nhập hộ khẩu Hà Nội thực hiện thế nào?
Bố mẹ có được nhập hộ khẩu cùng con?
Theo quy định tại khoản 2, Điều 20, Luật Cư trú 2020:
2. Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau đây:
a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;
b) Người cao tuổi về ở với anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột, người giám hộ;
c) Người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc không còn cha, mẹ về ở với cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; người chưa thành niên về ở với người giám hộ.
Như vậy, bố mẹ bạn thuộc trường hợp tại điểm a, cha, mẹ về ở với con và hoàn toàn đủ điều kiện nhập hộ khẩu tại Hà Nội cùng gia đình bạn.
Thủ tục nhập hộ khẩu Hà Nội thực hiện thế nào? Ảnh minh họa.
Thủ tục nhập hộ khẩu Hà Nội thực hiện thế nào?
Khoản, 2 Điều 21, Luật Cư trú 2020 quy định về hồ sơ nhập hộ khẩu trong trường hợp của bạn như sau:
Hồ sơ đăng ký thường trú
- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ, thành viên hộ gia đình, trừ trường hợp đã có thông tin thể hiện quan hệ này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú;
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh các điều kiện khác theo quy định.
Điểm b, khoản 1, Điều 6, Nghị định 62/2021 của Chính phủ về giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con:
- Giấy khai sinh;
- Chứng nhận hoặc quyết định việc nuôi con nuôi;
- Quyết định việc nhận cha, mẹ, con;
- Xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi cư trú;
- Hộ chiếu còn thời hạn sử dụng có chứa thông tin thể hiện quan hệ nhân thân cha hoặc mẹ với con;
- Quyết định của Tòa án, trích lục hộ tịch hoặc văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định, cơ quan khác có thẩm quyền xác nhận về quan hệ cha, mẹ với con.
Nơi nộp hồ sơ
Quy định tại Điều 22, Luật Cư trú 2020 như sau:
Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú (Công an cấp xã, phường)
Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.
Thời gian giải quyết
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Người đã đăng ký thường trú mà chuyển đến chỗ ở hợp pháp khác và đủ điều kiện đăng ký thường trú thì có trách nhiệm đăng ký thường trú tại nơi ở mới theo quy định trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày đủ điều kiện đăng ký.
Lệ phí nhập hộ khẩu
Theo Nghị quyết 06/2020/NQ-HĐND Hà Nội, mức lệ phí được quy định như sau:
Lệ phí đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú cả hộ hoặc một người nhưng không cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú ở Các quận và các phường là 15.000 đồng/ngưởi và ở các khu vực khác là 8.000 đồng/người.
Trên đây là giải đáp về Thủ tục nhập hộ khẩu Hà Nội thực hiện thế nào? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.