Khi Luật Cư trú mới có hiệu lực từ ngày 01/7/2020, nhiều thủ tục liên quan đến cư trú của công dân cũng được thay đổi. Một trong số đó là thủ tục nhập khẩu cho vợ vào nhà chồng.
Trả lời:
Cần điều kiện gì để nhập khẩu cho vợ vào nhà chồng?
Điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú năm 2020 nêu rõ:
2. Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau đây:
a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;
Theo quy định này, vợ khi muốn nhập khẩu vào nhà của chồng thì phải được hai đối tượng sau đây đồng ý:
- Chủ hộ đồng ý cho nhập vào hộ khẩu của hộ đó.
- Chủ sở hữu căn nhà đồng ý cho nhập hộ khẩu vào hộ đó.
Căn cứ quy định này, vì nhà đã thuộc sở hữu của bạn nên nếu bạn vừa là chủ sở hữu căn nhà vừa là chủ hộ tại địa chỉ căn nhà này, vợ bạn muốn nhập khẩu vào nhà bạn tại Hà Nội thì chỉ cần được bạn đồng ý.
Nhưng nếu bạn đang ở cùng bố mẹ, bố hoặc mẹ bạn là chủ hộ nhưng căn nhà đã được bố mẹ tặng cho bạn thì vợ bạn cần phải có sự đồng ý của bạn (chủ sở hữu căn nhà) và bố hoặc mẹ bạn (chủ hộ).
Vợ, chồng cần chuẩn bị gì để nhập khẩu về với nhau?
Theo khoản 2 Điều 21 Luật Cư trú, khi vợ muốn nhập khẩu về với chồng thì phải chuẩn bị các giấy tờ, tài liệu sau đây:
- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú ghi rõ ý kiến đồng ý của chủ hộ, chủ sở hữu nhà ở hợp pháp hoặc người ủy quyền về việc cho đăng ký thường trú tại địa chỉ đó trừ trường hợp đã có văn bản đồng ý.
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ vợ, chồng với chủ hộ, thành viên hộ gia đình trừ trường hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú đã có thông tin này.
Trong đó, các giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ vợ, chồng được nêu tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định số 62/2021/NĐ-CP gồm:
- Giấy đăng ký kết hôn.
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
- Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã/cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã - nơi cư trú của vợ, chồng.
Thủ tục nhập khẩu cho vợ vào nhà chồng thực hiện thế nào? (Ảnh minh họa)
Đến đâu để nhập khẩu cho vợ vào nhà chồng?
Căn cứ khoản 1 Điều 22 Luật Cư trú, vợ, chồng cần phải đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình đang ở (thường trú hoặc tạm trú) để nộp hồ sơ đăng ký thường trú.
Trong đó, cơ quan này được nêu tại khoản 4 Điều 2 Luật Cư trú bao gồm:
- Công an xã, phường, thị trấn.
- Công an huyện, quận, thị xã, thành phố.
Thủ tục nhập khẩu cho vợ mất bao nhiêu thời gian?
Về thủ tục đăng ký thường trú cho vợ về với chồng, Điều 22 Luật Cư trú có quy định cụ thể. Theo đó, thời gian thực hiện thủ tục nhập khẩu là 07 ngày kể từ ngày vợ, chồng nộp đủ hồ sơ, giấy tờ.
Khi nhập khẩu, các bước cần thực hiện gồm:
- Bước 1: Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền đã nêu ở trên.
- Bước 2: Cơ quan đăng ký cư trú sẽ kiểm tra hồ sơ, cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đủ thì sẽ được yêu cầu bổ sung.
- Bước 3: Trong 07 ngày khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan cư trú sẽ thẩm định, cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu cư trú, thông báo cho người đăng ký. Nếu từ chối sẽ nêu rõ lý do bằng văn bản.
Nhập khẩu cho vợ mất nhiều tiền không?
Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư số 85/2019/TT-BTC, lệ phí đăng ký cư trú là lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Do đó, nếu thực hiện đăng ký cư trú tại địa phương nào thì nộp lệ phí theo quy định riêng của địa phương đó.
Với trường hợp của bạn, do vợ bạn muốn nhập khẩu vào nhà chồng ở Hà Nội nên phải nộp lệ phí theo quy định tại Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND của TP. Hà Nội với mức thu ở quận, phường là 15.000 đồng/lần và khu vực khác là 8.000 đồng/lần.
Trên đây là thủ tục nhập khẩu cho vợ theo quy định mới nhất. Nếu còn thắc mắc, hãy để lại câu hỏi để chúng tôi hỗ trợ bạn.