Khi các hộ gia đình sinh sống cùng một địa điểm tách khẩu thường tiến hành tách công tơ điện. Bởi việc xin tách công tơ điện sẽ giúp hộ gia đình được hưởng thêm định mức sinh hoạt bậc thang.
Hướng dẫn thủ tục xin tách công tơ điện khi tách hộ khẩu
Theo quy định tại Thông tư 19/2014/TT-BCT, tại một địa điểm đăng ký mua điện Bên mua điện là một hộ gia đình sử dụng sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú để đăng ký mua điện chỉ được ký 01 Hợp đồng.
Như vậy, có thể dễ dàng hiểu là tại một địa điểm đăng ký mua điện mà Bên mua điện là 2 hộ gia đình, sử dụng 2 hộ khẩu hoặc 2 sổ tạm trú có thể được ký 02 Hợp đồng mua bán điện với Bên bán điện.
Việc tách công tơ điện thực chất là ký thêm một Hợp đồng mua bán điện với Bên bán điện để được hưởng thêm 01 định mức sinh hoạt bậc thang. Các giấy tờ cần chuẩn bị để ký Hợp đồng mua bán điện phục vụ mục đích sinh hoạt được quy định tại Nghị định 137/2013/NĐ-CP, gồm:
- Giấy đề nghị mua điện;
- Bản sao của một trong các giấy tờ sau: Hộ khẩu thường trú hoặc sổ tạm trú đã tách mới; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc quyết định phân nhà.
Ngoài ra, theo hướng dẫn của EVN, cần thêm bản xác nhận đã thanh toán hết nợ tiền điện của chủ Hợp đồng mua bán điện đang dùng chung hoặc bản cam kết của khách hàng có nhu cầu tách mới về việc đã hoặc sẽ chịu trách nhiệm thanh toán hết nợ tiền điện với chủ Hợp đồng mua bán điện đang dùng chung.
Tuy nhiên, để đảm bảo về mặt kỹ thuật và sử dụng điện an toàn, điện lực phải khảo sát hệ thống điện của khách hàng và quyết định có lắp được thêm công tơ hay không.
Hướng dẫn thủ tục xin tách công tơ điện khi tách hộ khẩu
Không cần tách công tơ điện, khách hàng vẫn được mua điện giá rẻ
Thủ tục tách công tơ điện vẫn khá phức tạp, nhất là việc phải đợi bên điện lực khảo sát hệ thống điện. Nếu không đáp ứng được để lắp công tơ mới sẽ không thể lắp thêm công tơ và Bên mua điện sẽ mất công mà không được việc.
Theo Thông tư 16/2014/TT-BCT, mỗi hộ sử dụng điện trong một tháng được áp dụng một định mức sử dụng điện sinh hoạt. Bên mua điện sinh hoạt có các hộ sử dụng điện dùng chung công tơ (có hộ khẩu riêng) áp dụng giá bán điện cho các hộ sử dụng theo nguyên tắc định mức chung của bên mua điện bằng định mức của từng bậc nhân với số hộ sử dụng điện dùng chung công tơ.
Như vậy, các hộ sinh hoạt chung tại một địa điểm (có hộ khẩu riêng) không cần phải lắp đặt nhiều công tơ vẫn được hưởng đầy đủ định mức điện của các bậc thang, tương ứng với số hộ sử dụng chung công tơ. Khách hàng chỉ cần đến điện lực khu vực làm thủ tục đăng ký tăng định mức.
Xem thêm:
Giải pháp nào khi tiền điện tăng bất thường?
5 cách giảm tiền điện mùa nắng nóng
Hướng dẫn tính tiền điện nước khi cho thuê nhà trọ
hieuluat.vn