hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 17/06/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Có phải đóng thuế thu nhập cá nhân trong thời gian thử việc không?

Trước khi kết hợp đồng chính thức, để đánh giá năng lực và mức độ phù hợp, người sử dụng lao động thường yêu cầu thử việc trong thời gian nhất định. Vậy, thử việc có phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN)?

Câu hỏi: Em mới ứng tuyển vào công ty về bảo hiểm và thử việc 02 tháng vị trí chuyên viên tư vấn khách hàng. Em muốn hỏi vậy trong thời gian thửu việc này, em có phải đóng thuế TNCN và BHXH không? Em cảm ơn – Thu Hà (Hà Nam)

Năm 2021, thử việc có được ký hợp đồng lao động?

Điều 24 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thỏa thuận thử việc như sau:

“Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc”.

Như vậy, từ năm 2021, các bên có thể lựa chọn thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng thử việc.

Bên cạnh đó, tại Điều 25 BLLĐ năm 2019 cũng quy định về thời gian thử việc, cụ thể:

- Không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp;

- Không quá 60 ngày đối với công việc cần trình độ từ cao đẳng trở lên;

- Không quá 30 ngày đối với công việc cần trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

- Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.

Trong thời gian này, người lao động sẽ được nhận ít nhất 85% lương của công việc đã thỏa thuận.

Thử việc có phải đóng thuế thu nhập cá nhân

Có phải đóng thuế thu nhập cá nhân trong thời gian thử việc không? (Ảnh minh họa)

Lương thử việc có phải đóng thuế TNCN không?

Theo Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định, thu nhập từ tiền lương, tiền công của người lao động được xác định là thu nhập chịu thuế TNCN. Do đó, tiền lương thử việc cũng được tính là khoản thu nhập chịu thuế TNCN.

Tuy nhiên, theo Điều 25 Thông tư 111, người lao động chỉ phải nộp thuế TNCN trong các trường hợp sau:

- Người lao động thử việc bằng cách ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên mà có tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công > 11 triệu đồng/tháng (nếu không có người phụ thuộc, nếu có 01 người phụ thuộc thì thu nhập phải > 15,4 triệu đồng/tháng).

- Người lao động ký hợp đồng thử việc hoặc thử việc với hợp đồng lao động dưới 03 tháng mà có tổng mức thu nhập từ 02 triệu đồng/lần trở lên nhưng không làm cam kết theo mẫu 02/CK-TNCN gửi người sử dụng lao động sẽ bị khấu trừ 10% tiền lương thử việc.

Như vậy, xét trong trường hợp của bạn, nếu bạn không ký hợp đồng thử việc hoặc thử việc với hợp đồng lao động dưới 03 tháng mà chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế và làm cam kết theo mẫu thì không phải nộp thuế TNCN.

Người lao động thử việc có được đóng BHXH?

Như đã phân tích ở trên, từ năm 2021, các bên có thể ký hợp đồng thử việc hoặc thỏa thuận về nội dung thử việc trong hợp đồng lao động.

Ngoài ra, tại điểm b khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng quy định về trường hợp tham gia BHXH bắt buộc, trong đó có:

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Như vậy, theo quy định trên, bảo hiểm xã hội bắt buộc chỉ áp dụng đối với hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên mà không áp dụng đối với hợp đồng thử việc.

Do đó, nếu bạn ký hợp đồng thử việc không phải là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Còn nếu bạn thử việc ký hợp đồng lao động mà trong đó có nội dung thỏa thuận về thử việc thì sẽ được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Trên đây là giải đáp về Có phải đóng thuế thu nhập cá nhân trong thời gian thử việc không? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X