hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 10/08/2018
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Thuê giúp việc gia đình: Đơn giản nhưng dễ sai luật

Ở các thành phố lớn, nhu cầu thuê giúp việc gia đình rất lớn, và cũng không khó để chủ nhà tìm được một người giúp việc phù hợp. Tuy nhiên, khi sử dụng đối tượng lao động này vẫn còn nhiều vấn đề pháp lý mà cả người thuê và người được thuê đều chưa biết đến.

Theo quy định của Bộ luật lao động 2012Nghị định 27/2014/NĐ-CP, dù người giúp việc sống hay không sống tại gia đình chủ nhà nhưng làm thường xuyên các công việc trong gia đình (không liên quan đến hoạt động thương mại) đều xếp vào nhóm lao động là người giúp việc gia đình (trừ người làm theo hình thức khoán việc).

Khi thuê người giúp việc gia đình, người sử dụng lao động cần lưu ý những điều sau:

- Phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình; chỉ được ký hợp đồng với lao động đủ 18 tuổi trở lên hoặc nếu từ đủ 15 tuổi thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của lao động đó;

- Có thể thử việc nhưng không quá 06 ngày;

- Cả 2 bên đều có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước ít nhất 15 ngày trừ một số trường hợp pháp luật yêu cầu báo trước 3 ngày.

Nhưng nếu người giúp việc trộm cắp, đánh bạc, cố ý gây thương tích/ngược đãi, xúc phạm… người trong gia đình, sử dụng chất gây nghiện, hoạt động mại dâm hoặc do các sự kiện bất khả kháng… thì người sử dụng lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước;

- Mức tiền lương do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận mức chi phí ăn, ở hằng tháng của người lao động (nếu có), nhưng không vượt quá 50% mức tiền lương trong hợp đồng lao động;

Thuê lao động là giúp việc gia đình: Những điều cần biết

Phải lưu ý điều gì khi thuê lao động là giúp việc gia đình

- Tạo điều kiện để người lao động mở tài khoản ngân hàng nếu trả lương qua tài khoản;

- Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH bắt buộc, BHYT thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về BHXH, BHYT để người lao động tự lo bảo hiểm.

- Trường hợp người lao động sống cùng gia đình người sử dụng lao động bị ốm, bị bệnh, người sử dụng lao động tạo điều kiện để người lao động nghỉ ngơi, khám, chữa bệnh. Chi phí khám, chữa bệnh do người lao động chi trả, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác. Tuy nhiên, không phải trả lương cho những ngày người lao động phải nghỉ việc do bị ốm, bị bệnh;

- Phải bố trí thời gian để người lao động học văn hóa, học nghề khi người lao động yêu cầu;

- Nếu người giúp việc làm hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc làm mất tài sản chủ nhà thì bị khấu trừ tiền lương nhưng không quá 30% mức tiền lương hằng tháng đối với người lao động không sống tại gia đình người sử dụng lao động; không quá 60% mức tiền lương còn lại sau khi trừ chi phí tiền ăn, ở hằng tháng của người lao động (nếu có) đối với người lao động sống tại gia đình người sử dụng lao động;

- Trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn;

- Mỗi tuần, phải cho người giúp việc được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp không thể bố trí được thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ bình quân 04 ngày/01 tháng.

Người giúp việc có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm là 12 ngày làm việc, hưởng nguyên lương. Khi nghỉ hằng năm, người lao động được ứng trước một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương cho những ngày nghỉ.

Như vậy, những vấn đề pháp lý xung quanh việc sử dụng người lao động là giúp việc gia đình không hề ít. Nhưng hiện nay, phần lớn người sử dụng lao động đều đang làm trái với những quy định của pháp luật.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X