hieuluat
Chia sẻ email

Sẽ tiêm loại vắc xin Covid-19 nào cho trẻ em? Khi tiêm cần lưu ý những gì?

Sau khi Bộ Y tế ra Công văn gửi các tỉnh, thành phố về việc tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em tuổi thì nhiều bậc cha mẹ đều có mối quan tâm chung về loại vắc xin tiêm chủng cho trẻ. Khi tiêm cho trẻ em cần lưu ý những gì?

Mục lục bài viết
  • Tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ trong độ tuổi nào?
  • Trẻ có thể gặp phản ứng gì khi tiêm vắc xin Covid-19?
  • Tiêm vắc xin cho học sinh, cần lưu ý những gì?
  • Các nước đang tiêm vắc xin Covid-19 nào cho trẻ em?
  • Học sinh Việt Nam sẽ được tiêm loại vắc xin nào?
Câu hỏi: Tôi được biết, tới đây Việt Nam sẽ triển khai tiêm diện rộng vắc xin cho trẻ em. Vậy sẽ tiêm vắc xin loại nào, và khi tiêm cần lưu ý những gì?

Vì sao trẻ em cũng nên tiêm vắc xin Covid-19?

Từ trước đến nay, tiêm phòng đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa bệnh, tật, đặc biệt là các dịch bệnh nguy hiểm. Trẻ em khi nhiễm bệnh, dù nhẹ cũng có khả năng lây lan sang người khác..

Bên cạnh đó, trẻ em không tiêm chủng vẫn có nguy cơ mắc Covid-19, nguy cơ trở nặng dù không mắc bệnh nền.

Tiêm vắc xin Covid-19 giúp trẻ giảm nguy cơ bị nhiễm Covid-19, ngăn ngừa lây lan và không trở nặng khi bị nhiễm.


Tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ trong độ tuổi nào?

Tại Công văn 8688/BYT-DP, Bộ Y tế cho biết sẽ triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi thực hiện theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, sẽ tiêm trước cho lứa tuổi từ 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi và theo tiến độ cung ứng vắc xin, tình hình dịch tại địa phương.

Loại vắc xin sử dụng tiêm cho trẻ sẽ được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Vắc xin được sử dụng 02 liều/đối tượng; 2 liều đều sử dụng tiêm cùng loại vắc xin.

Bộ Y tế cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi 01 từ tháng 10 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện.

Đồng thời các tỉnh, thành cũng có sự phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 6 đến hết lớp 12.

Nếu trẻ trong độ tuổi này không đi học, thì phối hợp với chính quyền địa phương để lập danh sách.

Việc tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học (đối với các địa bàn tổ chức được học tập trung tại trường).

tiem vac xin cho hoc sinh
Sẽ triển khai tiêm chủng diện rộng cho trẻ em. (Ảnh minh họa)


Trẻ có thể gặp phản ứng gì khi tiêm vắc xin Covid-19?

Trẻ em có thể có những phản ứng sau tiêm giống người lớn, một trong những biến chứng khác trẻ có thể gặp phải là viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, nhưng tỉ lệ này rất thấp, chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Huy Luân, trưởng đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM trên Tuổi trẻ.

Và các biến chứng này thường xảy ra sau tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi thứ 2 từ 2 - 4 ngày, bé trai chiếm tỉ lệ gặp biến chứng nhiều hơn bé gái. Phụ huynh và trẻ cần lưu ý các triệu chứng của viêm cơ tim như: đau ngực, hụt hơi, có nhịp tim nhanh, không đều…

Theo các nghiên cứu, tỉ lệ viêm cơ tim sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 vào khoảng 90-161/1 triệu. Tuy nhiên, đều ở mức độ nhẹ-trung bình. Khi gặp biến chứng này, trẻ được nhập viện điều trị theo dõi, sau đó tự phục hồi.


Tiêm vắc xin cho học sinh, cần lưu ý những gì?

Theo Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM thì trẻ khỏe mạnh không có bệnh nền, không có tiền căn dị ứng, được tiêm như tiêm các vắc xin thông thường khác.

Tuy nhiên, với những trẻ có bệnh nền cần được khám sàng lọc kỹ trước tiêm và tiêm ở các cơ sở y tế.

Vắc xin phòng Covid-19 chỉ chống chỉ định với trẻ em có cơ địa dị ứng thuốc, có tiền sử dị ứng với các loại vắc xin khác…

Còn theo bác sĩ Nguyễn Huy Luân, trước khi tiêm vắc xin cho trẻ em, nhân viên y tế cần khám sàng lọc kỹ để đánh giá nguy cơ trẻ có nhiễm Covid-19 hay không. Vì vậy, phụ huynh cần lưu ý khi trẻ có những triệu chứng như sốt, ho, khó thở...

Bên cạnh, chú ý đến việc trẻ có dị ứng, cần khai báo về những bệnh ức chế miễn dịch bẩm sinh hoặc rối loạn đông máu…vì khi mắc những bệnh này, khi tiêm có thể gặp nguy hiểm.

Đối với bé gái, nên khai thác thêm có mang thai hay không.

Đặc biệt, trước khi thực hiện tiêm cho trẻ cần được sự đồng ý của phụ huynh/người giám hộ; Nếu trẻ từ 16 tuổi trở lên cần thêm sự đồng ý của trẻ.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật của Mỹ đưa lời khuyên, trước khi cho trẻ đi tiêm, phụ huynh cần tìm hiểu về cách hỗ trợ trẻ trước khi tiêm, trong khi tiêm và sau tiêm. Cha mẹ cũng cần chia sẻ với con về việc tiêm chủng; thông báo với bác sĩ về các loại dị ứng của con…

Trong vòng 15-30 phút sau tiêm, cần quan sát các phản ứng con có thể gặp phải, có nghiêm trọng không.

Lưu ý: cũng giống với người lớn, các tác dụng phụ thông thường trẻ có thể gặp phải là đau chỗ tiêm, đau cánh tay; đau đầu, mệt mỏi, đau các cơ, sốt, buồn nôn…


Các nước đang tiêm vắc xin Covid-19 nào cho trẻ em?

Từ tháng 5/2021, Mỹ và Canada phê duyệt vắc xin Pfizer để tiêm cho trẻ từ 12 tuổi, với 02 mũi tiêm cách nhau ba tuần.

Nhóm chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá vắc xin Pfizer phù hợp cho trẻ từ 12 tuổi trở lên.

Đến cuối tháng 7, hơn 40% trẻ em ở Mỹ đã được tiêm liều thứ hai vắc xin Pfizer hoặc Moderna.

Tại Philippines, vắc xin của Pfizer và Moderna được cấp phép sử dụng khẩn cấp cho trẻ vị thành niên từ 12 tuổi

Hiện nay, đa số các nước châu Âu và Mỹ sử dụng vắc xin Pfizer sản xuất theo công nghệ mRNA để tiêm cho trẻ.

Tại Trung Quốc, một số trẻ em từ 3 đến 17 tuổi được tiêm vắc xin do hãng dược Sinovac sản xuất từ tháng 6/2021/. Cuba cũng đã tiến hành tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên bằng vắc xin Soberana sản xuất trong nước.

Theo thống kế, hiện đã có khoảng 30 nước  trên thế giới triển khai tiêm chủng cho trẻ em, có thể kể đến như: Anh, Ba Lan, Campuchia, Canada, Cuba, Đan Mạch, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Singapore, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Thụy Sĩ, Thụy Điển…


Học sinh Việt Nam sẽ được tiêm loại vắc xin nào?

Thông tin từ Bộ Y tế, đến thời điểm này, mới chỉ vắc xin Pfizer được chỉ định sử dụng cho trẻ 12-17 tuổi được cấp phép tại Việt Nam.

Việt Nam cũng đã có hợp đồng với nhà sản xuất mua 20 triệu liều Pfizer, số này đủ dùng cho toàn bộ 8,1 triệu trẻ trong độ tuổi từ 12-17 tuổi.

Bên cạnh đó, cũng có thông tin cho rằng có thể sử dụng vắc xin Abdala (vắc xin do Cuba sản xuất). Tuy nhiên, Abdala được phê duyệt tại Việt Nam dành cho người từ 19 tuổi trở lên.

Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa thông tin chính thức về loại vắc xin sẽ tiêm cho trẻ 12-17 tuổi trong thời gian tới đây.

Dự kiến từ 22/10, TP.HCM sẽ tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 cho khoảng 780.000 trẻ em từ 12-17 tuổi trên địa bàn. Đây có thể là địa phương đầu tiên trên cả nước tiêm vắc xin cho trẻ sau hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trên đây là những thông tin về vấn đề tiêm vắc xin cho học sinh. Nếu bạn còn có vướng mắc, có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>> Có thể đăng ký tiêm Covid-19 mũi 2 ở tỉnh khác được không?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X