Bảo hiểm xã hội tự nguyện 2023 có những điểm gì đáng lưu ý? Mức đóng, mức hưởng, đối tượng, phương thức tham gia thế nào? HieuLuat giải đáp toàn bộ trong bài viết sau đây.
Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện 2023 là ai?
Trước hết, bảo hiểm xã hội tự nguyện là một trong hai loại hình bảo hiểm xã hội (BHXH) theo quy định của pháp luật về bảo hiểm.
Đây là hình thức bảo hiểm do Nhà nước tổ chức và người tham gia được lựa chọn phương thức, cách đóng phù hợp. Đồng thời, Nhà nước cũng có cách chính sách hỗ trợ tiền cho người tham gia.
Đối tượng được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện rất rộng, gồm những người có độ tuổi từ đủ 15 trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Cụ thể, khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện gồm:
4. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này.
Các đối tượng tham gia BHXH tự nguyện được liệt kê cụ thể tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH như sau:
1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bao gồm:
a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 03 tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2018; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi;
b) Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, sóc, làng, tổ dân phố, khu, khu phố;
c) Người lao động giúp việc gia đình;
d) Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương;
đ) Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
e) Người nông dân, người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình;
g) Người lao động đã đủ Điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ Điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
h) Người tham gia khác.
...
Theo đó, có 8 nhóm đối tượng được tham gia BHXH tự nguyện như chúng tôi đã liệt kê ở trên.
Đối chiếu quy định pháp luật, bạn là người làm công việc tự do, tạo ra thu nhập cho bản thân và gia đình là đối tượng được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Kết luận: Người lao động tự do để tạo ra thu nhập cho bản thân và gia đình thuộc đối tượng được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Mức đóng, thời gian đóng, các quyền lợi mà người tham gia có quyền hưởng được chúng tôi trình bày chi tiết trong các phần phía dưới.
Có 8 nhóm đối tượng được quyền tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện 2023
Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện 2023 là bao nhiêu?
Câu hỏi: Tôi có tìm hiểu mức đóng BHXH tự nguyện thì thấy nhắc đến mức chuẩn nghèo và mức lương cơ sở nên chưa hiểu lắm.
Cho tôi hỏi cụ thể nếu tôi tham gia BHXH tự nguyện thì phải nộp bao nhiêu tiền? - P.C (phuongchinguyen…@gmail.com).
Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện của người tham gia được tính bằng 22% mức thu nhập tháng được tính làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện do người tham gia lựa chọn (Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội).
Theo quy định pháp luật, mức thu nhập tháng để làm căn cứ tính đóng BHXH tự nguyện có mức tối thiểu là mức chuẩn hộ nghèo tại nông thôn và mức tối đa là 20 lần mức lương cơ sở, cụ thể:
Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn | ≤ | Mức thu nhập tháng được tính làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện | ≤ | 20 lần mức lương cơ sở |
Trong đó:
Mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn áp dụng cho giai đoạn 2021- 2025 là 1,5 triệu đồng (Nghị định 07/2021/NĐ-CP);
20 lần mức lương cơ sở áp dụng theo quy định tại Thông tư 78/2022/TT-BTC (hiệu lực từ 9/2/2023):
Từ 1/1/2023 đến trước 1/7/2023 là 1,49 triệu đồng/tháng x 20 = 29,8 triệu đồng;
Từ 1/7/2023 - 31/12/2023 là 1,8 triệu đồng/tháng x 20 = 36 triệu đồng;
Từ đây suy ra, năm 2023, mức tiền đóng BHXH tự nguyện 1 tháng của người tham gia được tính như sau:
Tối thiểu = 22% x 1,5 triệu đồng = 330.000 đồng;
Tối đa = 22% x 29,8 triệu đồng = 6,556 triệu đồng (từ 1/1/2023 đến trước 1/7/2023);
Hoặc tối đa = 22% x 36 triệu đồng = 7,920 triệu đồng (từ 1/7/2023 - 31/12/2023);
Như vậy, mức tiền đóng 1 tháng khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của bạn trong khoảng sau: 330.000 đồng ≤ Số tiền đóng BHXH tự nguyện 1 tháng ≤ 6,556 triệu đồng/hoặc 7,920 triệu đồng.
Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hưởng chế độ thai sản không?
Câu hỏi: Tôi đang mở một cửa hàng quần áo. Tới đây dự định sinh em bé thì nghe bạn bảo tham gia BHXH tự nguyện được tiền thai sản như đi làm ở công ty được đóng bảo hiểm.
Tuy nhiên tôi có hỏi lại người quen thì nói không được. Vậy, tham gia BHXH có được chế độ thai sản không? - L.B (Gia Lai).
Khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia được hưởng 2 chế độ của bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 là:
Chế độ hưu trí;
Chế độ tử tuất;
Như vậy, tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện không được hưởng chế độ thai sản.
Hay, người tham gia BHXH tự nguyện được ít chế độ hơn người tham gia BHXH bắt buộc.Tuy nhiên, người thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện vẫn nên xem xét tham gia. Về lâu dài, đây sẽ là khoản tiền tích góp cho bản thân lúc về già, được xem như khoản lương hưu.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện không chi trả cho chế độ thai sản
Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, được hưởng quyền lợi gì?
Nhưng đang thắc mắc đóng BHXH thì được những quyền lợi gì? - Đ.N (nhungdo…@gmail.com).
Căn cứ quy định trên và Chương IV Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng những quyền lợi sau:
Một là, được hưởng lương hưu hàng tháng (Điều 73, Điều 74)
Người đóng BHXH tự nguyện đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 (năm 2023, đủ 60 tuổi 09 tháng đối với nam và đủ 56 đối với nữ) và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được hưởng lương hưu.
Mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH tương ứng với số năm đóng BHXH:
Lao động nam nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm;
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người tham gia BHXH tự nguyện như trên được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Hai là, hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu
Người tham gia BHXH tự nguyện có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
Ba là, được hưởng chế độ tử tuất (Điều 80, Điều 81 Luật Bảo hiểm xã hội).Bao gồm trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất 1 lần. Mức hưởng cụ thể được tính như sau:
Mức hưởng trợ cấp mai táng: Bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người tham gia BHXH tự nguyện chét;
Trợ cấp tuất 1 lần:
Được tính bằng 1,5 lần bình quân thu nhập tháng tính đóng BHXH tự nguyện cho những năm trước 2014 và từ 2014 trở đi thì tính bằng 2 lần và trợ cấp tuất hàng tháng cho thân nhân người tham gia BHXH tự nguyện;
Nếu thời gian tham gia BHXH chưa đủ 1 năm thì mức trợ cấp được tính bằng số tiền đã đóng, tối đa bằng 2 tháng bình quân thu nhập tháng tính đóng BHXH tự nguyện;
Đối với tường hợp người đang hưởng lương hưu chết thì mức trợ cấp tuất được tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng nếu chết trong 2 tháng đầu hưởng lương hưu; chết vào những tháng sau thì tính theo công thức cứ hưởng thêm 1 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm 0,5 tháng lương hưu;
Bốn là, được nhận bảo hiểm xã hội một lần
Người tham gia BHXH tự nguyện mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội sau đây:
Đủ điều kiện về tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH mà không tiếp tục tham gia BHXH;
Ra nước ngoài để định cư;
Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng…;
Người thuộc quy định tại điểm đ, điểm e khoản 1 Điều 1 Luật Bảo hiểm xã hội (ví dụ như sĩ quan, hạ sĩ quan, công an,...) khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu;
Năm là, được cấp thẻ BHYT miễn phí khi hưởng lương hưu
Người đóng BHXH tự nguyện đang hưởng lương hưu mới được cấp và có mức hưởng bảo hiểm y tế tương ứng là 95% chi phí khám,chữa bệnh.
Sáu là, được quyền lựa chọn mức đóng và được hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện
Người tham gia BHXH tự nguyện được hỗ trợ tiền đóng và chọn mức đóng.
Trong đó, mức hỗ trợ cụ thể cho người tham gia BHXH tự nguyện được thực hiện theo quy định tại Điều 14 Nghị định 134/2015/NĐ-CP như sau:
Mức hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo = 30% x 22% x Mức chuẩn hộ nghèo tại nông thôn = 30% x 22% x 1,5 triệu đồng = 99.000 đồng;
Mức hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo = 25% x 22% x Mức chuẩn hộ nghèo tại nông thôn = 25% x 22% x 1,5 triệu đồng = 82.500 đồng;
Mức hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện thuộc đối tượng khác = 10% x 22% x Mức chuẩn hộ nghèo tại nông thôn = 10% x 22% x 1,5 triệu đồng = 33.000 đồng;
Như vậy, khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia được hưởng các quyền lợi như được hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện hàng tháng, được nhận chế độ tử tuất, hưu trí,...
Cụ thể các quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện được chúng tôi liệt kê ở trên.Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng nhiều quyền lợi
Đóng tiền bảo hiểm xã hội tự nguyện như thế nào?
Câu hỏi: Xin chào, tôi có dự định tham gia BHXH thì tôi phải đóng tiền như thế nào? Bao lâu đóng một lần? - H.O (TP. Hồ Chí Minh).
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được quyền lựa chọn thời điểm đóng/phương thức đóng theo một trong những trường hợp quy định tại Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP như sau:
Đóng BHXH tự nguyện hằng tháng: Đóng theo từng tháng tham gia BHXH tự nguyện;
Đóng BHXH tự nguyện 03 tháng một lần: Người tham gia đóng 1 lần cho 3 tháng (sau 3 tháng mới lại tiếp tục phải đóng);
Đóng BHXH tự nguyện 06 tháng một lần: Người tham gia đóng 1 lần cho 6 tháng;
Đóng BHXH tự nguyện 12 tháng một lần: Người tham gia đóng 1 lần cho 1 năm;
Đóng BHXH tự nguyện một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 05 năm một lần: Người tham gia đóng 1 lần cho 5 năm (sau 5 năm mới lại tiếp tục phải đóng);
Lưu ý về việc đóng BHXH tự nguyện trong một số trường hợp đặc biệt:
Người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng): Người tham gia được đóng một lần cho những năm còn thiếu để đủ 20 năm tham gia BHXH để hưởng lương hưu;
Người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ tuổi nghỉ hưu mà thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 10 năm: Người tham gia BHXH nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng BHXH tự nguyện theo một trong các phương thức như đã nêu trên cho đến khi thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu;
Như vậy, pháp luật cho phép người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được lựa chọn phương thức/thời gian đóng BHXH là đóng hàng tháng, 3 tháng/6 tháng/12 tháng hoặc 5 năm một lần.
Trong trường hợp người lao động đủ tuổi về hưu và số thời gian tham gia BHXH chưa đủ 20 năm nhưng còn thiếu dưới 10 năm thì được đóng 1 lần cho đủ 20 năm để hưởng chế độ hưu trí.
Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện 2023 ở đâu?
Câu hỏi: Cho tôi hỏi, giờ tôi muốn tham gia BHXH tự nguyện thì phải đăng ký thế nào? Đến đâu để được tham gia? - T.G (thugiangdo…@gmail.com).
Việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như chúng tôi đã trình bày là sự tự nguyện của những người từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo Điều 3 Quy trình thu BHXH, bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH, cơ quan BHXH cấp huyện có trách nhiệm thu tiền đóng BHXH tự nguyện của người tham gia cư trú trên địa bàn huyện.
Từ quy định trên, để tham gia BHXH tự nguyện, bạn có thể đến cơ quan BHXH cấp huyện nơi thường trú, tạm trú hoặc đại lý thu, điểm thu BHXH tự nguyện ở nơi mình đang sinh sống để đăng ký tham gia, thực hiện đóng nộp tiền theo quy định.
Lưu ý: Hồ sơ tham gia BHXH tự nguyện mà người tham gia cần cần chuẩn bị
Điều 24 Quy trình thu BHXH, bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH, người tham gia BHXH tự nguyện cần chuẩn bị 1 bộ hồ sơ gồm các tài liệu sau:
Với người tham gia: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH (Mẫu TK1-TS).
Với đại lý thu, Cơ quan BHXH (trường hợp người tham gia đăng ký trực tiếp tại cơ quan BHXH): Danh sách người tham gia BHXH tự nguyện (Mẫu D05-TS).
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, người tham gia nộp tại cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú để được giải quyết yêu cầu tham gia BHXH tự nguyện.
Khoản 1 Điều 29 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định người tham gia BHXH được cấp mới sổ BHXH trong thời gian không quá 5 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ của người tham gia.
Như vậy, cơ quan giải quyết yêu cầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là cơ quan BHXH cấp huyện nơi người đề nghị tham gia cư trú (tạm trú hoặc thường trú).
Để được cấp sổ BHXH, người đề nghị phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ như chúng tôi đã nêu trên để được giải quyết.Trên đây là giải đáp thắc mắc của chúng tôi về bảo hiểm xã hội tự nguyện, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.