Với mục tiêu khuyến khích, động viên cán bộ, công viên chức, người lao động trong lực lượng vũ trang yên tâm công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Chính phủ có quy định các chế độ riêng cho các đối tượng này.
6 đối tượng được hưởng chế độ
Theo quy định tại Điều 2 Nghị định 76, 06 đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp, phụ cấp dành cho người công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm:
1 - Cán bộ, công chức, viên chức (kể cả người tập sự) trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp xã;
2 - Người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội;
3 - Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam;
4 - Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, công nhân công an và lao động hợp đồng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thuộc Công an nhân dân;
5 - Người làm việc trong tổ chức cơ yếu;
6 - Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế của các hội được ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động.
Chế độ dành cho cán bộ công chức vùng đặc biệt khó khăn
Các loại trợ cấp, phụ cấp được hưởng
1. Phụ cấp thu hút
Mức hưởng = 70% mức lương hiện hưởng + Phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)
Áp dụng với thời gian thực tế làm việc không quá 05 năm (60 tháng).
2. Phụ cấp công tác lâu năm
Mức hưởng tính theo mức lương cơ sở và thời gian thực tế làm việc:
- Mức 0,5 áp dụng với người có thời gian thực tế làm việc từ đủ 5 - 10 năm;
- Mức 0,7 áp dụng với người có thời gian thực tế làm việc từ đủ 10 - 15 năm;
- Mức 1,0 áp dụng với người có thời gian thực tế làm việc từ đủ 15 năm trở lên.
3. Trợ cấp lần đầu khi nhận công tác
Mức hưởng = 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm nhận công tác.
Trường hợp có gia đình cùng đến công tác thì ngoài trợ cấp lần đầu, còn được trợ cấp:
- Tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên trong gia đình cùng đi tính theo giá vé, giá cước thực tế của phương tiện giao thông công cộng hoặc thanh toán theo mức khoán trên cơ sở số km đi thực tế nhân với đơn giá phương tiện vận tải công cộng thông thường (tàu, thuyền, xe ô tô khách);
- Trợ cấp 12 tháng lương cơ sở cho hộ gia đình.
Các khoản trợ cấp này được chi trả ngay khi nhận công tác và chỉ thực hiện 01 lần trong tổng thời gian thực tế làm việc.
4. Trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch
Áp dụng với vùng thiếu nước ngọt và sạch theo mùa, có thể do điều kiện tự nhiên không có hoặc có nhưng không đủ phục vụ nhu cầu sinh hoạt từ 01 tháng liên tục trở lên trong năm.
Mức hưởng theo tháng = a x (c - d)
Mức hưởng theo năm = a x (c - d) x b
Trong đó:
(a) là định mức tiêu chuẩn: 6 m3/người/tháng;
(b) là số tháng thực tế thiếu nước ngọt và sạch trong 01 năm;
(c) là chi phí mua và vận chuyển 01 m3 nước ngọt và sạch đến nơi ở và nơi làm việc;
(d) là giá kinh doanh 01 m3 nước sạch do cấp có thẩm quyền ở địa phương quy định.
Cán bộ, công viên chức công tác vùng đặc biệt khó khăn được hưởng nhiều loại phụ, trợ cấp.
5. Trợ cấp 1 lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu
Áp dụng với người đang công tác và có thời gian thực tế làm việc từ đủ 10 năm trở lên, khi chuyển công tác ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn hoặc khi nghỉ hưu hoặc nơi công tác không còn là vùng đặc biệt khó khăn.
Mức hưởng mỗi năm công tác thực tế = 1/2 mức lương tháng hiện hưởng + Phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
6. Tiền tàu xe
Khi nghỉ hàng năm, nghỉ ngày lễ, tết, nghỉ việc riêng thì ngoài tiền lương, các đối tượng còn được thanh toán tiền tàu xe đi và về thăm gia đình.
7. Trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ
- Hỗ trợ tiền mua tài liệu học tập và 100% tiền học phí, chi phí đi lại từ nơi làm việc đến nơi học tập khi được cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền cử đi học bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm.
- Hỗ trợ tiền mua tài liệu và tiền bồi dưỡng cho việc tự học tiếng dân tộc ít người bằng số tiền hỗ trợ cho việc học tập ở các trường, lớp chính quy khi công tác tại vùng dân tộc ít người tự học tiếng dân tộc để phục vụ nhiệm vụ được giao.
8. Phụ cấp ưu đãi theo nghề
Mức phụ cấp = 70% mức lương hiện hưởng + Phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Áp dụng với các đối tượng:
- Công chức, viên chức và người lao động là nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp;
- Công chức, viên chức và người lao động trực tiếp làm công tác chuyên môn y tế trong các cơ sở y tế của Nhà nước: trạm y tế cấp xã; trạm y tế cơ quan, trường học; phòng khám đa khoa khu vực; nhà hộ sinh, trung tâm y tế, bệnh viện và các cơ sở y tế khác từ cấp xã trở lên;
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng, nhân viên quân y trực tiếp làm chuyển môn y tế tại các trạm y tế kết hợp quân dân y.
9. Phụ cấp lưu động và phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số
(Chỉ áp dụng với nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục)
- Phụ cấp lưu động:
Hệ số hưởng = 0,2 so với mức lương cơ sở.
Áp dụng với nhà giáo, viên chức quản lý giáo dục chuyên trách về xoá mù chữ và phổ cập giáo dục mà phải thường xuyên đi đến các thôn.
- Phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số
Mức hưởng = 50% mức lương hiện hưởng + Phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
- Gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm thành phụ cấp theo nghề.
- Gộp phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thành phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.
Trên đây là các thông tin về chế độ dành cho cán bộ công chức vùng đặc biệt khó khăn. Nếu có thắc mắc về quy định trên, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.