hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 07/09/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tổng hợp những điều công chức, viên chức không được làm

Mục lục bài viết
  • Công chức, viên chức là ai?
  • Những điều viên chức, công chức không được làm
  • Viên chức không được làm những việc gì?
  • Cán bộ, công chức không được làm những việc gì?
  • Nghĩa vụ chung của công chức, viên chức
Câu hỏi: Tôi đang muốn thi công chức và muốn tìm hiểu một số thông tin. Cho tôi hỏi công chức, viên chức khác nhau thế nào? Hiện nay, theo quy định thì công chức không được làm những việc gì?

Công chức, viên chức là ai?

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức hiện hành, công chức, viên chức được quy định là công dân Việt Nam và được tuyển dụng theo cơ chế sau:

- Công chức được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong:

+ Cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện;

+ Cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng;

+ Cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước..

- Viên chức được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Công chức, viên chức là ai?
Những điều viên chức, công chức không được làm

Viên chức không được làm những việc gì?

Theo Điều 19 Luật Viên chức 2010, công dân Việt Nam sau khi được tuyển dụng làm viên chức không được làm các việc sau đây:

- Vô trách nhiệm, trốn tránh, thoái thác công việc được giao hoặc tự ý bỏ việc; gây mất đoàn kết, chia bè phái; tham gia vào các hoạt động, tổ chức đình công.

- Sử dụng tài sản của nhân dân, cơ quan, đơn vị… vào các hành vi trái pháp luật.

- Có hành vi, thái độ phân biệt đối xử: giới tính, dân tộc, thành phần xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng.

- Lợi dụng công việc để thực hiện tuyên truyền tư tưởng chống phá Đảng và Nhà nước; gây phương hại đến truyền thống, văn hóa, thuần phong mỹ tục của nhân dân.

- Khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

- Những hành vi khác theo Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn pháp luật khác.

Những điều viên chức, công chức không được làmNhững điều viên chức, công chức không được làm

Cán bộ, công chức không được làm những việc gì?

Các hành vi cán bộ, công chức không được làm quy định từ Điều 18 đến Điều 20 Luật Cán bộ, công chức 2008, cụ thể nghiêm cấm các hành vi sau đây:

- Liên quan đến đạo đức công vụ:

+ Vô trách nhiệm, trốn tránh, thoái thác công việc được giao hoặc tự ý bỏ việc; gây mất đoàn kết, chia bè phái; tham gia vào các hoạt động, tổ chức đình công.

+ Sử dụng tài sản của nhân dân, tổ chức, Nhà nước để thực hiện hành vi trái pháp luật.

+ Lạm dụng chức vụ, quyền hạn, công việc của bản thân, các thông tin có liên quan vào mục đích vụ lợi.

+ Có hành vi, thái độ phân biệt đối xử: giới tính, dân tộc, tôn giáo, thành phần xã hội… dưới mọi hình thức.

- Liên quan đến bí mật nhà nước:

+ Nghiêm cấm tiết lộ thông tin, bí mật nhà nước.

+ Cán bộ, công chức sau khi nghỉ hưu, thôi việc không được làm cùng một công việc có liên quan đến công việc, nhiệm vụ trước đây đã từng làm liên quan đến bí mật nhà nước.

- Những hành vi khác cán bộ, công chức không được làm quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản khác có liên quan.

Ngoài các hành vi công chức, viên chức không được làm nêu trên, nghiêm cấm công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn thực hiện các hành vi tại khoản 2 Điều 20 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, bao gồm:

- Có hành vi nhũng nhiễu khi giải quyết công việc;

- Sử dụng thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị trái phép;

- Thành lập hoặc quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã; hoặc thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp mà trước đây được Nhà nước phân công quản lý trng thời hạn nhất định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

- Tư vấn cho tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về các thông tin liên quan đến bí mật nhà nước, nhiệm vụ, công tác thuộc thẩm quyền của mình hoặc đang giải quyết.

Đồng thời, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013 cũng quy định nghiêm cấm công chức, viên chức có những hành vi sau đây:

- Cản trở người khác thực hiện cung cấp thông tin về việc phát hiện lãnh phí; có hành vi đe doa, trù dập, trả thù… người cung cấp thông tin;

- Ban hành quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ phòng, chống lãng phí trái quy định pháp luật;

- Vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc không đạt mục tiêu đã đề ra do cơ quan có thẩm quyền ban hành;

- Không kiểm tra, báo cáo, xử lý việc thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ phòng, chống lãng phí theo quy định.

Nghĩa vụ chung của công chức, viên chức

Đối với công chức

Căn cứ quy định tại Điều 10 Luật Cán bộ, công chức 2008, công chức phải thực hiện 06 nghĩa vụ cơ bản sau:

- Chỉ đạo tổ chức, thực hiện nhiệm vụ được giao; đồng thời biết chịu trách nhiệm về kết quả đạt được của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

- Thực hiện kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc cán bộ, công chức thi hành công vụ;

- Tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, quan liêu; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chịu trách nhiệm nếu để các hành vi nêu trên xảy ra tại tổ chức, cơ quan, đơn vị;

- Đối với khiếu nại, tố cáo của các cá nhân, tổ chức: Phải giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật, đúng thẩm quyền hoặc đưa ra kiến nghị giải quyết;

- Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ cơ sở, văn hóa công sở trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; xử lý kịp thời, nghiêm minh cán bộ, công chức có hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật, có thái độ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà cho công dân trong phạm vi mình quản lý;

- Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ chung của công chức, viên chức

Nghĩa vụ chung của công chức, viên chức

Đối với viên chức

Nghĩa vụ của viên chức được quy định từ Điều 16 đến Điều 18 Luật Viên chức 2010, cụ thể:

- Nghĩa vụ chung đối với viên chức:

+ Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước;

+ Sống lành mạnh, trung thực, thực hiện khẩu hiệu “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”;

+ Thực hiện kỷ luật tốt, biết chịu trách nhiệm khi hoạt động nghề nghiệp;

+ Bảo vệ, giữ gìn bí mật nhà nước, của công, sử dụng tài sản được giao tiết kiệm, hiệu quả;

+ Biết tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, tuân thủ quy tắc ứng xử của viên chức.

- Trong hoạt động nghề nghiệp:

+ Thực hiện tốt nhiệm vụ được giao;

+ Biết phối hợp với đồng nghiệp khi thực hiện công việc, nghiệm vụ;

+ Chấp hành yêu cầu của người có thẩm quyền khi được phân công công tác;

+ Có tinh thần, thường xuyên học tập, rèn luyện trình độ, kỹ năng của bản thân liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ;

+ Đối với nhân dân phải: lịch sự, tôn trọng; hợp tác, khiêm tốn; không hách dịch, không cậy quyền thế để gây khó khăn, phiền hà; tuân theo quy định về đạo đức nghề nghiệp của viên chức.

+ Biết chịu trách nhiệm khi hoạt động nghề nghiệp và thực hiện các nghĩa vụ khác.

- Trong công tác quản lý:

+ Thực hiện đúng chức trách, thẩm quyền được giao khi chỉ đảo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ;

+ Đảm bảo tính dân chủ, sự đoàn kết, đạo đức nghề nghiệp trong đơn vị mà mình phụ trách quản lý;

+ Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực;

+ Chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm với việc thực hiện nhiệm vụ của viên chức do mình quản lý;

+ Quản lý và sử dụng cở sở vật chất, tài chính của đơn vị một cách hiệu quả;

+ Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng chống tham nhũng trong đơn vị mà mình phụ trách.

Trên đây là một số thông tin về những điều công chức viên chức không được làm theo quy định pháp luật mà chúng tôi cung cấp đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức, bạn đọc vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn, hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X