hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 01/10/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Nới lỏng giãn cách tại TP.HCM: Dịch vụ nào chưa được phép hoạt động?

TP.HCM nới lỏng giãn cách từ 01/10 cho phép mở cửa nhiều dịch vụ, đưa sinh hoạt người dân bước sang trạng thái bình thường mới, giải tỏa tâm lý cho người dân sau thời gian dài giãn cách. Tuy nhiên, một số dịch vụ vẫn chưa được phép mở cửa trở lại, đó là những dịch vụ nào?

Mục lục bài viết
  • TP.HCM nới lỏng giãn cách, dịch vụ nào được hoạt động trở lại?
  • Những hoạt động nào tại TP.HCM vẫn tạm dừng?
  • Người dân cần lưu ý những gì khi TP.HCM nới lỏng giãn cách?
Câu hỏi: Tôi được biết từ ngày mai, TP.HCM nới lỏng giãn cách, cho thêm nhiều dịch vụ, hoạt động mở cửa trở lại. Tuy nhiên, vẫn có những dịch vụ vẫn phải tạm dừng, cụ thể là gì?

TP.HCM nới lỏng giãn cách, dịch vụ nào được hoạt động trở lại?

Cụ thể tại nội dung Chỉ thị 18/CT-UBND TP.HCM ban hành cho thấy việc giãn cách xã hội có phần “thoáng” hơn, thông qua việc quan tâm, cho phép mở cửa các hoạt động của khu vực sản xuất, dịch vụ trên cơ sở ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết.

Cụ thể, từ 18 giờ 00 ngày 30/9/2021, TP.HCM tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống Covid-19; từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh và kết quả đánh giá mức độ an toàn theo hướng dẫn.

Theo đó, các hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ được hoạt động gồm:

1. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu Công nghệ cao, Công viên Phần mềm Quang Trung, cụm công nghiệp, trên địa bàn quận, huyện, thành phố Thủ Đức.

2. Doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại dịch vụ, tổ hợp tác, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp; dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y, đối tượng hành nghề thú y.

3. Công trình lĩnh vực giao thông, xây dựng.

4. Hoạt động kinh doanh, thương mại - dịch vụ: cung cấp lương thực, thực phẩm

- Xăng, dầu, gas, hóa chất; điện; nước; nhiên liệu; vật liệu; dịch vụ mua bán, sửa chữa, bảo trì các loại xe, máy móc, thiết bị dân dụng, công nghiệp; quản lý, vận hàng, bảo trì, sửa chữa, ứng dụng hệ thống hạ tầng...

- Dịch vụ công ích; bảo vệ; trạm thu phí đường bộ; tư vấn xây dựng; vệ sinh môi trường; dịch vụ quan trắc và xử lý môi trường; dịch vụ giới thiệu việc làm;

- Dịch vụ bưu chính, viễn thông; in, xuất bản, báo chí; hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, sử dụng dịch vụ giao hàng trực tuyến; cửa hàng sách, thiết bị văn phòng;

- Đường sách; thư viện, phòng tranh, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh; đồ dùng, dụng cụ học tập; công nghệ thông tin; thiết bị tin học; điện máy; mắt kính; thời trang, may mặc; cửa hàng vàng bạc đá quý và đồ trang sức.

- Dịch vụ: cưới - hỏi,  rửa xe,  tang lễ; tiện ích công như: cấp thoát nước, công viên, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật, giao thông vận tải.

Việc tổ chức đám tang, đám cưới hạn chế tối đa 20 người cùng một thời điểm

5. Trung tâm thương mại, siêu thị; cửa hàng tiện lợi, tạp hóa; chợ đầu mối, chợ truyền thống.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống: chỉ được bán hàng mang về. Nhà hàng trong các cơ sở lưu trú, cơ sở nghỉ dưỡng, tham quan du lịch chỉ được phục vụ tại chỗ, không tổ chức buffet.

6. Cơ sở kinh doanh dịch vụ cắt tóc, gội đầu, thể dục, thể thao được hoạt động, nhưng tối đa chỉ được 50% công suất, tối đa 10 người trong cùng một thời điểm.

7. Hoạt động của văn phòng, văn phòng đại diện doanh nghiệp trong và ngoài nước, chi nhánh thương nhân nước ngoài.

8. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kho bạc, cơ sở kinh doanh dịch vụ liên quan đến hoạt động tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, logistic;

Dịch vụ bổ trợ doanh nghiệp, người dân (công chứng, luật sư, đấu giá tài sản, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm, đăng ký biến động đất đai…), chứng khoán; dịch vụ cầm đồ.

9. Hoạt động xúc tiến thương mại: hội chợ, triển lãm, hội nghị, sự kiện kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm…

- Sự kiện trong nhà (hội họp, tập huấn, hội thảo...): tập trung tối đa 10 người; nếu có ít nhất 90% người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi Covid-19 được tập trung tối đa 60 người.

- Sự kiện ngoài trời: tập trung tối đa 15 người; trường hợp có ít nhất 90% người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi Covid-19 được tập trung tối đa 90 người.

Các điều kiện trên áp dụng với khi tổ chức đám ma, đám cưới.

tphcm noi long gian cach

Những hoạt động nào tại TP.HCM vẫn tạm dừng?

Bên cạnh những dịch vụ được hoạt động thì các dịch vụ sau vẫn tiếp tục tạm dừng khi TP.HCM nới lỏng giãn cách.

1. Hoạt động kinh doanh, dịch vụ: quán bar, spa, massage, làm đẹp, ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử.

2. Hoạt động bán hàng rong, bán vé số dạo.

3. Hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác (trừ trường hợp được cho phép hoạt động).

Người dân cần lưu ý những gì khi TP.HCM nới lỏng giãn cách?

Nội dung Chỉ thị cũng nêu rõ về những lưu ý đối với người dân khi Thành phố áp dụng việc nới lỏng giãn cách xã hội. Cụ thể:

Người dân khi tham gia lưu thông sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế HCM  thể hiện lịch sử tiêm vắc xin (cho đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động);

Đối với trường hợp không có mã QR, xuất trình giấy tờ chứng minh sau khi được cơ quan chức năng yêu cầu:

(1) Là F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày;

(2) Đã tiêm chủng, ít nhất 1 mũi đối với loại vắc xin tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm.

Đồng thời người dân phải thực hiện nghiêm 5K: Khẩu trang - Khoảng cách - Khai báo y tế - Khử khuẩn - Không tụ tập đông người.

- Khi có những triệu chứng (ho, sốt, khó thở,...), cần cấp cứu y tế, liên hệ ngay với số điện thoại đường dây nóng của Tổ phản ứng nhanh Covid tại địa phương hoặc Tổng đài cấp cứu 115.

- Trường hợp cần được hỗ trợ lương thực, thực phẩm: liên hệ các Tổ An sinh xã hội, Tổng đài 1022 hoặc đăng ký trên ứng dụng An sinh của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố.

- Người dân cũng không được tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác. Trường hợp cấp thiết phải đi lại liên tỉnh phải thực hiện theo quy định.

Ngoài ra, người nước ngoài khi nhập cảnh phải tiến hành khai báo y tế tại cửa khẩu và sau đó sử dụng mã QR hoặc các giấy tờ thay thế cho các hoạt động tại Thành phố.

Bên cạnh đó, TP.HCM vẫn tiếp tục tổ chức dạy - học gián tiếp, qua internet, qua truyền hình; từng bước củng cố các điều kiện để có thể kết hợp dạy - học trực tiếp.

Với các loại hình đào tạo cho người đã được tiêm đủ liều vắc xin, có thể dạy – học trực tiếp nếu đảm bảo các tiêu chí an toàn theo quy định.

Trong cuộc họp báo công bố Chỉ thị 18, của UBND TP, ông Lê Hòa Bình - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, không phải ngay sau 30/9, TP.HCM sẽ mở cửa tất cả các hoạt động, mà mở cửa từng bước và có lộ trình. Người dân sẽ từng bước trở về cuộc sống sinh hoạt trong trạng thái bình thường mới nhưng không phải mọi người đều đồng loạt ra đường.

Tính đến ngày 30/9, TP.HCM đã trải qua hơn 4 tháng (hơn 120 ngày) giãn cách xã hội với nhiều cấp độ, áp dụng nhiều Chỉ thị biện pháp khác nhau.

Thành phố nới lỏng giãn cách, góp phần từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc cho phép mở các hoạt động của khu vực sản xuất, dịch vụ; đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người dân. Đồng thời đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới.

Trên đây là giải đáp liên quan đến việc TP.HCM nới lỏng giãn cách. Nếu còn vướng mắc, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>> Người dân TP.HCM ra đường cần mang theo giấy tờ gì từ 01/10?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X