hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 08/10/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Thủ tục khởi kiện tranh chấp đất đai tại Tòa án thế nào?

Nhu cầu sử dụng đất ngày càng tăng, kéo theo đó tranh chấp đất đai xảy ra cũng ngày càng nhiều. Vậy, trường hợp muốn khởi kiện giải quyết tranh chấp đất tại Tòa án thì phải làm thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn làm rõ vấn đề này.

Mục lục bài viết
  • Tranh chấp đất đai là gì?
  • Khởi kiện tranh chấp đất đai tại Tòa án cần điều kiện nào?
  • Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án thực hiện ra sao?
Câu hỏi: Năm 1993, tôi được UBND huyện K cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 570 m2 đất ở. Ngày 02/10/2021, hàng xóm của tôi có xây dựng chuồng trại và lấn sang diện tích thửa đất của gia đình tôi. Vậy trong trường hợp này, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án nhân dân được thực hiện như thế nào? Tôi cảm ơn!

Tranh chấp đất đai là gì?

Căn cứ theo quy định tại khoản 24, Điều 3; Điều 166 và Điều 170 Luật Đất đai 2013, ta có thể hiểu tranh chấp đất đai là tranh chấp về việc xác định ai là người có quyền sử dụng đất, tranh chấp về việc xác định ranh giới thửa đất với các thửa đất liền kề.


Khởi kiện tranh chấp đất đai tại Tòa án cần điều kiện nào?

Căn cứ theo khoản 1 và điểm b, khoản 2 Điều 203 Luật Đất đai 2013 và khoản 2, Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP có quy định điều kiện để các bên tranh chấp đất đai có thể nộp đơn tại Tòa án nhân dân như sau :

Thứ nhất, các bên tranh chấp đã thực hiện việc hòa giải tại UBND cấp xã và hòa giải không thành;

Thứ hai, tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp có Giấy chứng nhận hoặc có Giấy tờ về quyền sử dụng đất theo Điều 100 Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất; hoặc trường hợp các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận hoặc không có Giấy tờ về quyền sử dụng đất theo Điều 100 Luật Đất đai 2013 nhưng các bên tranh chấp lựa chọn Tòa án nhân dân giải quyết tranh chấp.

Do đó, khi các bên tranh chấp muốn yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai thì bắt buộc phải đáp ứng các điều kiện nêu trên.

Nếu các bên không tuân thủ các điều kiện trên và vẫn cố tình nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện theo điểm b, khoản 1, Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 với lý do chưa đủ điều kiện khởi kiện.

Thủ tục khởi kiện tranh chấp đất đai tại Tòa án thế nào? (Ảnh minh họa)


Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án thực hiện ra sao?

Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án nhân dân được thực hiện theo quy định Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, cụ thể như sau :

Bước 1 : Các bên tranh chấp nộp đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền.

Căn cứ theo quy định tại khoản 3, Điều 35; Điều 37; điểm c, khoản 1, Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, việc xác định nơi nộp đơn khởi kiện như sau :

- Đối với trường hợp mà đương sự ở nước ngoài thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi có bất động sản sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai ;

Việc xác định đương sự ở nước ngoài được thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều 7 Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP, cụ thể:

+ Nếu đương sự là người nước ngoài hoặc người Việt Nam mà không định cư, học tập, công tác tại Việt Nam thì được xác định là đương sự ở nước ngoài ;

+ Nếu đương sự là người nước ngoài hoặc người Việt Nam mà định cư, học tập, công tác tại Việt Nam và không có mặt tại Việt Nam tại thời điểm Tòa án thụ lý vụ án thì được coi là đương sự ở nước ngoài.

- Đối với trường hợp mà đương sự không ở nước ngoài thì Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có bất động sản sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

Bước 2. Tòa án thụ lý đơn khởi kiện và xử lý.

- Sau khi các bên tranh chấp gửi đơn khởi kiện đến tòa án, tòa án sẽ tiến hành ghi vào sổ nhận đơn khởi kiện và thông báo về việc nhận đơn khởi kiện cho các bên tranh chấp trong thời hạn 2 ngày làm việc tính từ ngày nhận đơn ;

- Chánh án tòa án có trách nhiệm phân công thẩm phán xem xét đơn khởi kiện trong thời hạn 3 ngày làm việc tính từ ngày nhận được đơn khởi kiện ;

- Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

+ Nếu thấy đủ điều kiện khởi kiện thì ra quyết định tiến hành thụ lý vụ án theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

+ Trường hợp đơn khởi kiện thiếu thông tin thì Tòa án sẽ ra quyết định yêu cầu các bên sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

+ Nếu thấy vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết tranh chấp thì Tòa án sẽ ra quyết định chuyển đơn khởi kiện và thông báo cho người khởi kiện biết theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

+ Nếu thấy vụ án chưa đủ điều kiện khởi kiện thì Tòa án sẽ ra quyết định trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

- Tòa án yêu cầu người khởi kiện nộp tiền tạm ứng án phí. Người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của bên Tòa án. Thẩm phán chỉ thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án.

- Thẩm phán sẽ tiến hành thông báo bằng văn bản về việc đã thụ lý vụ án cho các bên tranh chấp, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan,… trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án ;

- Chánh án Tòa án sẽ quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án.

Bước 3. Chuẩn bị xét xử.

- Thời hạn chuẩn bị xét xử trong giai đoạn này là 4 tháng kể từ ngày Tòa án thụ lý vụ án. Trong trường hợp vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan, sự kiện bất khả kháng thì Tòa án có thể gia hạn thêm 1 tháng.( Theo quy định tại khoản 1, Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)

- Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, tòa án sẽ tiến hành các công việc sau : lập hồ sơ vụ án ; làm rõ những tình tiết khách quan của vụ án ; thu thập, xác minh chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án ; áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời và tiến hành hòa giải.

- Sau khi tiến hành hòa giải, Thẩm phán sẽ ra một trong các quyết định sau :

+ Tòa án sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên ;

+ Tòa án sẽ ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự ;

+ Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;

+ Tòa án sẽ ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Bước 4. Mở phiên tòa xét xử.

Theo quy định tại khoản 4, Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án phải mở phiên tòa trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn mở phiên tòa là 2 tháng.

Bước 5. Tòa án ra bản án sơ thẩm.

Theo quy định tại Điều 273, Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, các bên tranh chấp có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát có quyền kháng nghị bản án sơ thẩm trong thời hạn luật định, cụ thể :

- Các bên tranh chấp có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án ; trừ trường hợp kháng cáo quá hạn theo Điều 275 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 ;

- Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kháng nghị bản án sơ thẩm trong thời hạn 15 ngày. Đối với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp thì thời hạn này là 1 tháng.

Nếu quá thời hạn theo quy định của pháp luật mà không có chủ thể nào kháng cáo hoặc kháng nghị thì bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật theo quy định tại Điều 282 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

>> Quy trình giải quyết tranh chấp đất đai hiện nay ra sao?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X