Việc cách ly, điều trị người nhiễm Covid-19 tại nhà đã và đang được thực hiện tại các tỉnh thành có số lượng lớn người bệnh như TP.HCM, Bình Dương. Một trong những vấn đề quan trọng cần lưu ý là cần làm gì để tránh lây nhiễm Covid 19 khi điều trị tại nhà?
Điều kiện để người nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà
Tại Quyết định 4156/QĐ-BYT Hướng dẫn Chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà, người bệnh Covid 19 sẽ được điều trị tại nhà nếu có đủ 2 điều kiện dưới đây:
1. Mức độ bệnh, đặc điểm người bệnh
- Người bệnh Covid 19 không triệu chứng hoặc triệu chứng ở mức độ nhẹ; không có suy hô hấp: SpO2 ≥ 96% và nhịp thở ≤ 20 lần/phút.
- Về độ tuổi: Trên 12 tháng và dưới 50 tuổi.
- Không có bệnh nền
- Người bệnh không đang mang thai.
2. Khả năng tự chăm sóc bản thân
- Người bệnh có thể tự chăm sóc bản thân: ăn uống, giặt quần áo, vệ sinh cá nhân…
- Người bệnh biết cách đo thân nhiệt
- Có khả năng liên lạc với nhân viên y tế. Khi gặp tình trạng khẩn cấp, có sẵn, biết cách sử dụng phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính…
- Tự dùng thuốc theo đơn thuốc của bác sỹ.
Mặt khác, khi người nhiễm Covid-19 không tự chăm sóc được bản thân thì người trong gia đình hỗ trợ bệnh nhân thực hiện các công việc trên, nhưng người đó phải:
- Có sức khỏe tốt
- Có kiến thức chăm sóc người bệnh
- Biết cách phòng ngừa lây nhiễm
Nên hạn chế số người chăm sóc.
Làm gì để tránh lây nhiễm Covid khi F0 điều trị tại nhà?
Tại Quyết định 4156 Bộ Y tế cũng hướng dẫn những hành động cụ thể nhằm tránh lây nhiễm bệnh cho người cùng sống trong gia đình và cộng đồng khi có bệnh nhân Covid 19 điều trị tại nhà.
1. Cách ly người nhiễm
Cho người bệnh phòng ngủ, phòng vệ sinh riêng (không có thì đánh dấu không gian riêng)
Giữ khoảng cách tối thiểu 2m với người bệnh
Người nhiễm tuyệt đối: không ăn uống cùng những người khác, không ra khỏi khu cách ly; không tiếp xúc gần với người khác, vật nuôi; không dùng chung bát đũa, ly uống nước, khăn tắm…
2. Bảo đảm nhà ở luôn thông thoáng
- Không dùng điều hòa trung tâm, không để luồng khí từ phòng người nhiễm thổi vào không gian chung.
- Nên cùng quạt và máy lọc không khí
- Mở cửa sổ thông thoáng, cửa lối đi để không khí được thay đổi
3. Phải rửa tay thường xuyên
Vì rửa tay là cách giảm lây nhiễm Covid 19 tốt nhất.
Việc rửa tay được thực hiện bằng xà phòng dưới vòi nước trong tối thiểu 30 giây; hoặc dung dịch rửa tay khô có chứa cồn ở nồng độ tối thiểu 60% trong ít nhất 15 giây. Sau khi rửa tay cần lau khô tay bằng khăn sạch hoặc để khô tự nhiên.
Quyết định cũng nêu rõ các thời điểm rửa tay như: trước và sau khi nấu ăn; trước và sau khi ăn uống; sau khi ho, hắt xì; sau khi đi vệ sinh, sau khi thu dọn rác…
4. Đeo khẩu trang đúng cách
Đối với người nhiễm, người chăm sóc và các thành viên trong gia đình đều phải đeo khẩu trang.
Trẻ dưới 2 tuổi, người khó khăn khi thở, người không có khả năng tháo bỏ khẩu trang có thể không đeo khẩu trang.
Tốt nhất là nên dùng khẩu trang y tế, loại sử dụng 1 lần.
Không đeo khẩu trang theo kiểu hở mũi, hở cằm, để dưới cằm hoặc chạm vào mặt ngoài khẩu trang trong khi đeo. Khi tháo khẩu trang chỉ chạm vào dây đeo, không chạm vào phần trước của khẩu trang.
Ngoài ra cần phải thực hiện vệ sinh hô hấp; vệ sinh bộ dụng cụ ăn uống nhằm tránh lây nhiễm; xử lý đồ vải theo cách an toàn, vệ sinh bề mặt môi trường; thu gom, xử lý chất thải đúng cách; nên sử dụng găng tay khi khử trùng vật dụng, chăm sóc người bệnh…; không tiếp xúc với vật nuôi…
Bộ Y tế cũng hướng dẫn cách phòng ngừa lây nhiễm khi mua thực phẩm, tạp phẩm và các vật dụng thiết yếu.
Nếu đặt mua trực tuyến: nhận hàng ở cửa, cổng hoặc nhờ người bên ngoài nhận giúp.
Nhận hàng không tiếp xúc, nếu phải tiếp xúc phải để hàng bên ngoài nhà, giữ khoảng cách tối thiểu 2m với người giao hàng.
Rửa tay ngay sau khi nhận hàng, mở gói hàng
Lưu ý: KHÔNG phun chất khử trùng dùng trong khử khuẩn bề mặt, quần áo… lên thực phẩm dù chỉ phun ở bên ngoài.
Trên đây là giải đáp về việc tránh lây nhiễm Covid khi điều trị tại nhà. Nếu còn vướng mắc, bạn đọc có thể gửi thêm câu hỏi để chúng tôi hỗ trợ nhanh nhất.
>> Bệnh nhân Covid tự điều trị tại nhà cần lưu ý những gì?