hieuluat
Chia sẻ email

Trâu “điên” tấn công người, ai chịu trách nhiệm?

Mới đây, ở Quảng Trị xuất hiện trâu “điên” húc vào xe của người tham gia giao thông, sau đó xông vào nhà dân húc người bị thương. Từ đây, phát sinh một vấn đề pháp lý là liệu người bị gây thiệt hại có thể được bồi thường không? Ai là người chịu trách nhiệm?

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Theo quy định tại Điều 603 Bộ luật dân sự 2015 thì chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Nếu người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Nếu súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Trường hợp này, đối với những thiệt hại về tài sản, chủ sở hữu súc vật (hoặc người chiếm hữu) phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do súc vật gây ra. Đối với những thiệt hại về sức khỏe thì phải bồi thường toàn bộ chi phí nằm viện, điều trị, hồi phục sau điều trị, mức thu nhập thực tế bị mất của người bị thiệt hại. Hoặc mức bồi thường do thỏa thuận giữa hai bên.

Tuy nhiên, một vấn đề khác lại đặt ra khi không thể xác định được chủ sở hữu hoặc người có nghĩa vụ quản lý trâu “điên”. Nếu tình huống này xảy ra, người bị thiệt hại sẽ khó được bồi thường.

Trâu điên húc người ai chịu trách nhiệm?

Trâu điên húc người ai chịu trách nhiệm?

Xử phạt vi phạm hành chính

Theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người chủ sở hữu của vật nuôi sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng nếu thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng khi để động vật nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác.

Trường hợp xảy ra ở Quảng Trị, chủ sở hữu trâu “điên” hoặc người có trách nhiệm quản lý con trâu chắc chắn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính vì đã để súc vật gây thiệt hại tài sản cho người khác.

Xử lý hình sự

Nếu súc vật thả rông hoặc bị xổng do lỗi của chủ sở hữu gây chết người thì chủ sở hữu có thể bị truy tố về tội Vô ý gây chết người theo Điều 128 Bộ luật hình sự 2015 với khung hình phạt cao nhất lên đến 10 năm tù.

Tuy nhiên, nếu xác định được súc vật gây thiệt hại do sự kiện bất khả kháng, thì chủ sở hữu sẽ không phải bồi thường cũng như chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Có thể bạn quan tâm

X