hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 03/02/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Người sau 60 tuổi có được đóng bảo hiểm xã hội không?

Lương hưu là một trong những khoản tiền hỗ trợ hữu ích cho người lao động sau này khi nghỉ hưu. Vậy, người trên 60 tuổi có được tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu nữa không?

Mục lục bài viết
  • Người lao động cao tuổi được hiểu như thế nào?
  • Người trên 60 tuổi làm việc có phải đóng BHXH bắt buộc không?
  • Trên 60 tuổi đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu được không?

Người lao động cao tuổi được hiểu như thế nào?

Câu hỏi: Xin chào Vanbanluat, cho em hỏi từ 60 tuổi trở lên vẫn làm việc có phải là người lao động cao tuổi không? - Huỳnh Tân (Khánh Hòa).

Trả lời:

Người lao động cao tuổi được quy định tại Điều 148 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

Điều 148. Người lao động cao tuổi

1. Người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật này.

Theo đó, tại Điều 169 Bộ luật này, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

Như vậy, có thể hiểu, người tiếp tục làm việc sau độ tuổi được nghỉ hưu là người lao động cao tuổi. Do đó, lao động nữ trên 60 tuổi và nam từ đủ 60 tuổi 03 tháng được coi là người lao động cao tuổi.

tren 60 tuoi co duoc dong bao hiem xa hoi khong

Người trên 60 tuổi có được đóng bảo hiểm xã hội không? (Ảnh minh họa)


Người trên 60 tuổi làm việc có phải đóng BHXH bắt buộc không?

Câu hỏi: Hiện tại trong nhà máy tôi làm việc có một số người lao động đã 60 tuổi nhưng số năm đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ để hưởng lương hưu. Cho tôi hỏi, nếu công ty vẫn tiếp tục ký hợp đồng với những người lao động này thì có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho họ nữa không? - Giang Mỹ (giangmyha…@gmail.com).

Trả lời:

Theo quy định trên, năm 2021, lao động nam từ đủ 60 tuổi 03 tháng trở lên mới được xem là người lao động cao tuổi. Nếu lao động nam chưa đủ tuổi nghỉ hưu, đang tiếp tục làm việc theo hợp đồng từ 01 tháng trở lên thì người sử dụng lao động vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho lao động đó (khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội).

Với lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu, tùy trường hợp sẽ được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội.

Người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu

Tại khoản 9 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:

9. Người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Có thể thấy, người đã đủ điều kiện hưởng lương hưu mà vẫn tiếp tục làm việc, có giao kết hợp đồng lao động thì doanh nghiệp không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Người lao động chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu

Tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Hơn nữa, theo phân tích trên, người hưởng lương hưu không phải đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Do vậy, người lao động đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu mà tiếp tục làm việc thì doanh nghiệp vẫn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Với câu hỏi của bạn đọc, nếu người lao động ở doanh nghiệp bạn đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu mà công ty vẫn tiếp tục ký hợp lao động từ đủ 01 tháng thì vẫn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho họ.


Trên 60 tuổi đóng BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu được không?

Câu hỏi: Xin chào Vanbanluat, cho tôi hỏi năm nay tôi đã gần 60 tuổi, tôi có được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nữa không? Vì tôi có nghe bạn nói đóng BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu. - Nguyễn Hải (Kiên Giang).

Trả lời:

Theo khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng  tham gia bảo hiễm xã hội bắt buộc.

Do đó, người trên 60 tuổi vẫn được tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Khi đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia sẽ được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Theo Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây :

- Đóng hàng tháng.

- Đóng 03 tháng một lần.

- Đóng 06 tháng một lần.

- Đóng 12 tháng một lần.

- Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần.

- Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người có nhu cầu thuộc đối tượng được tham gia có thể đến những địa điểm sau để đăng ký:

- Cơ quan bảo hiểm xã hội huyện nơi thường trú hoặc tạm trú.

- Đại lý, điểm thu bảo hiểm xã hội tự nguyện nơi mình sinh sống.

Trên đây là giải đáp trên 60 tuổi có được đóng bảo hiểm xã hội không. Nếu còn thắc mắc khác liên quan đến vấn đề này, độc giả vui lòng để lại câu hỏi tại đây.

Xem thêm:

Mức lương đóng bảo hiểm xã hội 2021 quy định như thế nào?

Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội 2021 có gì thay đổi không?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X