hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 13/08/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Công ty có bắt buộc phải trả trợ cấp thôi việc không?

Cùng với các khoản hỗ trợ khác, trợ cấp thôi việc cũng là khoản tiền mà người lao động mong muốn nhận được. Vậy, công ty có bắt buộc trả trợ cấp thôi việc có bắt buộc phải trả cho người lao động không?

Mục lục bài viết
  • Nhân viên nghỉ việc, công ty có bắt buộc trả trợ cấp thôi việc?
  • Cách xác định thời gian tính trợ cấp thôi việc thế nào?
  • Trợ cấp thôi việc được tính theo mức lương nào?

Nhân viên nghỉ việc, công ty có bắt buộc trả trợ cấp thôi việc?

Câu hỏi: Tôi ký hợp đồng 03 năm với công ty, đến nay cũng đã sắp hết hạn hợp đồng, trong thời gian làm việc công ty có đóng đầy đủ cho tôi các khoản BHXH, BHYT, BHTN. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, công ty cắt giảm nhân sự nên không tiến hành tái ký. Vậy sau khi nghỉ việc tôi có được nhận trợ cấp thôi việc không? – Thu Hải (TP.HCM).

Tại Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 được hướng dẫn bởi khoản 1 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định điều kiện để người lao động được trả trợ cấp thôi việc sau khi nghỉ việc như sau:

- Đã làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên.

- Chấm dứt hợp đồng lao động theo một trong các căn cứ sau:

+ Do hết hạn hợp đồng, trừ trường hợp phải gia hạn cho người lao động là thành viên Ban lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng;

+ Hoàn thành công việc theo hợp đồng;

+ Các bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng;

+ Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không được trả tự do, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng theo bản án, quyết định của Toà án;

+ Người lao động chết; bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết;

+ Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền của người đại diện theo pháp luật;

+ Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp.

Theo đó, tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.

Cụ thể, công thức tính tiền trợ cấp thôi việc như sau:

Tiền trợ cấp thôi việc

=

1/2

x

Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc

x

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc

Tuy nhiên, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 quy định:

2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Theo quy định trên, xét trong trường hợp của bạn do công ty đã đóng bảo hiểm thất nghiệp cho bạn trong suốt thời gian làm việc nên khoảng thời gian này không được tính để trả trợ cấp thôi việc.

Vì thế, sau khi nghỉ việc công ty không phải chi trả trợ cấp thôi việc cho bạn. Tuy nhiên, trên thực tế nhằm hỗ trợ người lao động khoản tiền nhỏ trang trải cuộc sống lại trong tình hình dịch bệnh khó khăn như hiện nay, nhiều công ty vẫn tự nguyện trả cho người lao động một khoản tiền trợ cấp thôi việc.

cong ty co bat buoc tra tro cap thoi viec

Công ty có bắt buộc trả trợ cấp thôi việc cho nhân viên không? (Ảnh minh họa)


Cách xác định thời gian tính trợ cấp thôi việc thế nào?

Câu hỏi: Cho tôi hỏi thời gian làm việc thực tế để tính hưởng trợ cấp thôi việc được xác định thế nào? Tôi cảm ơn! – Nguyễn Giang (Hòa Bình)

Căn cứ theo Điều 46 Bộ luật Lao động 2019, người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc khi nghỉ việc mỗi năm sẽ được trợ cấp nửa tháng tiền lương:

Tiền trợ cấp thôi việc

=

1/2

x

Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc

x

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc

Trong đó, theo khoản 3 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc được xác định như sau:

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc

=

Tổng thời gian NLĐ đã làm việc cho NSDLĐ

-

Thời gian đã tham gia BHTN

-

Thời gian đã được chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm

Cụ thể:

- Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho NSDLĐ, gồm:

+ Thời gian người lao động đã trực tiếp làm việc;

+ Thời gian thử việc;

+ Thời gian được NSDLĐ cử đi học;

+ Thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH;

+ Thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được NSDLĐ trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

+ Thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được NSDLĐ trả lương;

+ Thời gian ngừng việc không do lỗi của người lao động;

+ Thời gian nghỉ hằng tuần, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo Điều 111, 112, 113, 114, khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019;

+ Thời gian thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động và thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định.

- Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm:

+ Thời gian người lao động đã tham gia Bảo hiểm thất nghiệp;

+ Thời gian người lao động thuộc diện không phải tham gia Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật nhưng được NSDLĐ chi trả cùng với tiền lương của NLĐ một khoản tiền tương đương với mức NSDLĐ đóng Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định.

- Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng). Trường hợp có tháng lẻ ít hơn hoặc bằng 06 tháng được tính bằng 1/2 năm, trên 06 tháng được tính bằng 01 năm làm việc.

Trợ cấp thôi việc được tính theo mức lương nào?

Câu hỏi: Em đang làm việc tại công ty thiết kế, sắp tới e dự định sẽ nghỉ việc ở đây để về quê. Vậy trường hợp e được hưởng trợ cấp thôi việc thì mức lương tính trợ cấp thôi việc xác định như thế nào, có phải lương theo hợp đồng lao động không? Em cảm ơn! - Mai Nguyễn (Đà Nẵng).

Theo khoản 5 Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, tiền lương để tính trợ cấp thôi việc được quy định như sau:

Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc, trong đó:

- Trường hợp người lao động làm việc cho NSDLĐ theo nhiều hợp đồng lao động kế tiếp nhau thì tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi chấm dứt hợp đồng lao động cuối cùng;

- Trường hợp hợp đồng lao động cuối cùng bị tuyên bố vô hiệu vì có nội dung tiền lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố hoặc mức lương ghi trong thỏa ước lao động tập thể thì tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng hoặc mức lương ghi trong thỏa ước lao động tập thể.

Trên đây là giải đáp về công ty có bắt buộc trả trợ cấp thôi việc? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>> Công ty giải thể, người lao động có được hưởng trợ cấp thôi việc?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X