Cách chức là một trong những hình thức xử lý kỷ luật đối với công chức hiện nay. Vậy hành vi vi phạm nào với tính chất, mức độ ra sao thì công chức sẽ bị cách chức?
Các trường hợp công chức bị cách chức
Theo Luật Cán bộ, công chức 2008, cách chức là việc cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không được tiếp tục giữ chức vụ ngay cả khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm.
Điều 13 Nghị định 34/2011/NĐ-CP đã liệt kê chi tiết 04 hành vi sẽ áp dụng hình thức xử lý kỷ luật cách chức đối với công chức:
- Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ;
- Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng;
- Bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ;
- Vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác liên quan đến công chức.
Riêng với công chức có thẩm quyền giải quyết tố cáo, theo Nghị định 31/2019/NĐ-CP, nếu có một trong những hành vi dưới đây cũng sẽ bị cách chức:
- Cố ý không giải quyết hoặc giải quyết tố cáo trái pháp luật gây mất ổn định, an ninh, trật tự xã hội;
- Cố ý bỏ qua các bằng chứng, bỏ lọt các thông tin, tài liệu, làm mất hoặc sai lệch hồ sơ vụ việc; bao che cho người bị tố cáo gây mất ổn định, an ninh, trật tự xã hội;
- Không áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo thuộc thẩm quyền làm cho người tố cáo bị trả thù, trù dập dẫn đến thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe với tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc bị chết.
Các hành vi khiến công chức bị cách chức nên tránh
Cách chức ảnh hưởng thế nào đến công chức?
Điều 82 Luật Cán bộ, công chức 2008 nêu rõ một số tác động của việc cách chức đối với công chức. Cụ thể:
- Bị kéo dài thời gian nâng lương 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực;
- Không nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.
Hết thời hạn này, nếu công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định.
- Nếu trong thời gian bị xem xét kỷ luật, điều tra, truy tố, xét xử thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch, giải quyết nghỉ hưu hoặc thôi việc.
- Nếu bị kỷ luật cách chức do tham nhũng thì không được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý.
Ngoài những tác động trực tiếp tới chế độ quyền lợi nêu trên thì thực tế, việc bị cách chức sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của công chức, thậm chí là thanh danh, uy tín trong suốt quá trình làm việc sau này.
Xem thêm:
Cán bộ, công chức nhất định không được viết những điều sau lên facebook
Kê khai tài sản không trung thực, cán bộ, công chức bị xử lý thế nào?