Người lao động nói chung, công chức, viên chức nói riêng khi có hành vi vi phạm đều bị xem xét xử lý kỷ luật tùy theo tính chất, mức độ của hành vi. Tuy nhiên, các quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức, viên chức cũng có những điểm đặt thù riêng.
Khi nào công chức, viên chức chưa bị xem xét kỷ luật?
Điều 3 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật như sau:
- Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được cấp có thẩm quyền cho phép.
- Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức; bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
- Cán bộ, công chức, viên chức là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc cán bộ, công chức, viên chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
- Cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Như vậy, trường hợp bạn là viên chức mà có hành vi vi phạm nhưng đang trong thời gian nghỉ hàng năm thì có sẽ chưa bị xem xét xử lý kỷ luật. Theo đó, thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật sẽ không bao gồm khoảng thời gian này.
Quyết định xử lý kỷ luật viên chức có thời hạn trong bao lâu?
Theo khoản 4 Điều 37 Nghị định 112/2020/NĐ-CP về quyết định kỷ luật viên chức:
4. Quyết định kỷ luật viên chức có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày có hiệu lực thi hành. Trong thời gian này, nếu viên chức không tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định kỷ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực mà không cần phải có văn bản về việc chấm dứt hiệu lực.
Như vậy, theo quy định này, quyết định xử lý kỷ luật đối với viên chức có thời hạn 12 tháng kể từ ngày có hiệu lực thi hành.
Theo đó, trong thời gian 12 tháng này, nếu bạn không tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định xử lý kỷ luật sẽ đương nhiên chấm dứt hiệu lực.
Trường hợp trong 12 tháng bạn tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định kỷ luật đang thi hành sẽ bị chấm dứt hiệu lực kể từ thời điểm quyết định kỷ luật đối với hành vi vi phạm mới có hiệu lực.
Trường hợp nào công chức, viên chức chưa bị xem xét kỷ luật? (Ảnh minh họa)
Bị xem xét xử lý kỷ luật có được giải quyết thủ tục hưởng hưu trí?
Khoản 1 Điều 38 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định như sau:
1. Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật đang trong thời gian xem xét xử lý kỷ luật hoặc đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang trong thời gian bị điều tra, truy tố, xét xử mà đến tuổi nghỉ hưu thì vẫn thực hiện giải quyết thủ tục hưởng chế độ hưu trí.
Như vậy, theo quy định này, công chức có hành vi vi phạm đang trong thời hạn bị xử lý kỷ luật mà đến tuổi nghỉ hưu thì vẫn được thực hiện giải quyết thủ tục hưởng chế độ hưu trí.
Trong khi đó, theo quy định trước đây tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 34/2011/NĐ-CP, trường hợp công chức đang nghỉ công tác chờ làm thủ tục hưu trí mà bị phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian thi hành công vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị dừng việc giải quyết thủ tục hưu trí.
Hành vi nào của công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật?
Điều 6 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định cán bộ, công chức, viên chức bị xem xét xử lý kỷ luật lao động khi có các hành vi sau:
- Có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức;
- Thực hiện những việc cán bộ, công chức, viên chức không được làm;
- Vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ.
Theo đó, mức độ các hành vi được xác định như sau:
- Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng: Tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức,…
- Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng: Tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức,…
- Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng: Vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, phạm vi tác động đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức,…
- Vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi tác động sâu rộng đến toàn xã hội, gây dư luận đặc biệt bức xúc trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức,…
Trên đây là giải đáp về Trường hợp nào công chức, viên chức chưa bị xem xét kỷ luật? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.
>> Công ty có được xử lý kỷ luật bằng hình thức phạt tiền?