Công dân có nghĩa vụ phải chấp hành quy định pháp luật, trường hợp vi phạm có thể đối diện với các chế tài xử phạt, một trong những chế tài người dân hay gặp phải là chế tài hành chính, hay còn gọi là phạt tiền. Vậy các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính là gì?
Các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính
Các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính
Theo quy định tại Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, không xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp sau đây:
1. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;
2. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng;
3. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ;
4. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;
5. Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính;
6. Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Luật này cụ thể: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.
Theo đó, theo quy định có 06 trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp như vi phạm trong tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, do sự kiện bất ngờ,...
Tùy vào các dấu hiệu vi phạm, trường hợp vi phạm mà xem xét việc có xử phạt hay không, điều này thể hiện rõ bản chất của xử phạt hành chính là chế tài xử phạt nhằm cảnh cáo, răn đe người vi phạm và 06 trường hợp trên việc xử phạt là không cần thiết.
Độ tuổi không bị xử phạt hành chính là bao nhiêu?
Độ tuổi không bị xử phạt hành chính là bao nhiêu?
Theo quy định tại Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, về đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.
Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra;
Cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Như vậy, một trong những yếu tố quan trọng trong việc xác định đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính còn phải dựa trên năng lực hành vi và độ tuổi của người vi phạm.
Trong đó, người vi phạm phải từ đủ 14 tuổi - dưới 16 tuổi, đối với lỗi do cố ý. Theo đó, người chưa đủ 14 tuổi và dưới 14 tuổi sẽ không bị xử phạt do chưa đủ năng lực hành vi.
Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính có bị phạt không?
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi bởi khoản 33 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020) quy định về những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong những trường hợp sau đây:
Trường hợp thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết, do phòng vệ chính đáng, vi phạm do sự kiện bất ngờ,...
Không xác định được đối tượng vi phạm hành chính;
Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt;
Cá nhân vi phạm hành chính chết, mất tích, tổ chức vi phạm hành chính đã giải thể, phá sản trong thời gian xem xét ra quyết định xử phạt;
Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm theo quy định.
Lưu ý: Người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nếu:
- Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành; hoặc
- Tang vật, phương tiện mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt tịch thu và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với hành vi vi phạm hành chính đó.
Quyết định phải ghi rõ lý do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm và thời hạn thực hiện.
Việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản này không bị coi là đã bị xử phạt vi phạm hành chính.
Như vậy, trường hợp hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính sẽ không bị xử phạt theo quy định. Tuy nhiên, người vi phạm có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả mà hành vi vi phạm gây ra.
Trên đây là thông tin về các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính. Nếu còn vấn đề nào thắc mắc, hay gặp khó khăn trong các vấn đề pháp lý khác hãy liên hệ với chúng tôi qua tổng đài: 19006192 để được hỗ trợ.