Sau khi xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm thì bản án sẽ được thi hành ngay. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp sẽ được tạm hoãn thi hành án.
Khi nào quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật?
Vụ án làm rúng động dư luận cả nước “Nguyễn Khắc Thủy dâm ô trẻ em” mới đây đã được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy bản án phúc thẩm, y án 3 năm tù giam ở cấp sơ thẩm. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc khi nào bản án này mới có hiệu lực pháp luật vì hiện nay, ông này vẫn đang tại ngoại.
Theo quy định tại Điều 395 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì Quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định, Hội đồng giám đốc thẩm phải gửi quyết định giám đốc thẩm cho người bị kết án, người đã kháng nghị; Viện kiểm sát cùng cấp; Viện kiểm sát, Tòa án nơi đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm; cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng nghị hoặc người đại diện của họ; thông báo bằng văn bản cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người bị kết án cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án làm việc, học tập.
Như vậy, quyết định giám đốc thẩm sẽ có hiệu lực ngay. Tuy nhiên, Hội đồng giám đốc thẩm có thời hạn 10 ngày để gửi quyết định giám đốc thẩm cho các bên liên quan, kể cả cơ quan thi hành án. Vì vậy, việc ông này vẫn tại ngoại được lý giải rằng do cơ quan thi hành án hình sự vẫn chưa nhận được quyết định giám đốc thẩm.
Nguyễn Khắc Thủy trong phiên tòa
Trường hợp nào Nguyễn Khắc Thủy sẽ được hoãn thi hành án?
Theo quy định tại Điều 67 Bộ luật hình sự 2015, Nguyễn Khắc Thủy có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù nếu bị bệnh nặng. Thời gian hoãn đến khi sức khỏe được hồi phục.
Khái niệm “bệnh nặng” được quy định cụ thể tại Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP: tức là bị bệnh đến mức không thể đi chấp hành hình phạt tù được và nếu bắt đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ; do đó, cần thiết phải cho họ được hoãn chấp hành hình phạt tù để họ có điều kiện chữa bệnh; ví dụ: ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc, bại liệt, suy tim độ 3 trở lên, suy thận độ 4 trở lên, HIV chuyển giai đoạn AIDS đang có các nhiễm trùng cơ hội và có tiên lượng xấu...
Nghị quyết cũng quy định rõ phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về việc người bị xử phạt tù bị bệnh nặng và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ. Đồng thời, người được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù phải có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng, đồng thời sau khi bị xử phạt tù không có hành vi vi phạm pháp luật nghiệm trọng, không có căn cứ cho rằng họ bỏ trốn thì mới được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù.
Nếu thuộc một trong các trường hợp bệnh nặng trên, Nguyễn Khắc Thủy sẽ được tạm hoãn thi hành án. Với các bệnh thông thường, vẫn phải chấp hành hình phạt tù ngay sau khi cơ quan thi hành án hình sự nhận được quyết định về hình phạt tù với ông này.