Vi phạm quy định về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình là một trong những nguyên nhân Đảng viên bị xử lý kỷ luật khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, có không ít trường hợp được miễn trừ trách nhiệm.
Sinh con thứ ba trở lên, Đảng viên có thể bị khai trừ
Chào bạn, nếu không thuộc một trong các trường hợp sinh con thứ 3 không bị xử lý kỷ luật quy định tại Điều 2 Quy định 05-QĐi/TW năm 2018 vẫn có thể được xem là vi phạm chính sách dân số và bị kỷ luật theo Quy định 69.Cụ thể như sau:
(1) Đảng viên bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách nếu vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng:
- Cản trở, cưỡng bức thực hiện kế hoạch hoá gia đình hoặc tham gia các hoạt động xét nghiệm, chẩn đoán để xác định giới tính thai nhi trái quy định.
- Vi phạm chính sách dân số
(2) Nếu vi phạm đã kỷ luật theo Khoản (1) mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp dưới đây thì bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (đối với người có chức vụ):
- Tuyên truyền, phổ biến hoặc ban hành văn bản có nội dung trái với chính sách dân số, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc.
- Gian dối trong việc cho con đẻ/nhận nuôi con nuôi mà thực chất là con đẻ nhằm sinh thêm con ngoài giá thú hoặc trái quy định.
(3) Nếu vi phạm Khoản (1), (2) gây hậu quả rất nghiêm trọng sẽ bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ.
Tại Hướng dẫn 05, tại khoản 8, Mục III quy định về việc kỷ luật đảng viên vi phạm chính sách dân số như sau:
8. Vi phạm quy định chính sách dân số (Điều 52)
8.1. Vi phạm do nếu thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai sản (có xác nhận của bệnh viện cấp huyện và tương đương trở lên) thì được xem xét giảm nhẹ mức kỷ luật.
8.2. Vi phạm do cố ý hoặc cưỡng ép không thực hiện kế hoạch hóa gia đình thì xem xét tăng nặng mức kỷ luật.
Như vậy, đảng viên thuộc trường hợp vi phạm nếu thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai sản (có giấy xác nhận của bệnh viện cấp huyện và tương đương trở lên) sẽ được xem xét giảm nhẹ mức kỷ luật.
Ngoài ra, nếu đảng viên vi phạm do cố ý hoặc cưỡng ép không thực hiện kế hoạch hóa gia đình sẽ xem xét tăng nặng mức kỷ luật.
Như vậy, nếu cố ý mang thai con thứ 3 hoặc cưỡng ép không thực hiện kế hoạch hóa gia đình thì sẽ bị tăng nặng mức kỷ luật.
Nhiều trường hợp sinh con thứ ba không bị kỷ luật Đảng
Nhiều trường hợp sinh con thứ ba không bị kỷ luật Đảng
Dù đã có quy định rõ ràng về các hình thức xử lý kỷ luật Đảng khi sinh con thứ ba trở lên nhưng không phải trường hợp nào cũng bị áp dụng các biện pháp lỷ luật trên. Pháp luật đã khá mềm dẻo, linh hoạt khi áp dụng quy định vào thực tế. Theo đó, trong một số trường hợp việc sinh con thứ ba sẽ không bị kỷ luật Đảng (Hướng dẫn 04-HD/UBKTTW năm 2018):
- Cặp vợ chồng sinh con thứ ba do mang thai ngoài ý muốn, nếu thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mẹ (có xác nhận của bệnh viện cấp huyện hoặc tương đương trở lên);
- Cặp vợ chồng sinh con thứ 3, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc dân tộc có nguy cơ suy giảm dân số;
- Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên;
- Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên;
- Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi;
- Cặp vợ chồng sinh con lần thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo;
- Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ): sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ); sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ).
Thay đổi cơ chế về sinh con thứ 3?
Nếu như trước đây, tại Nghị định 114/2006 quy định xử lý vi phạm khi sinh con thứ 3 như sau:
“2. Đảng viên sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng. Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Chính phủ. Thành viên của các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý theo quy định của quy chế, quy định của đoàn thể, tổ chức. Người dân sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý theo quy định của hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, xóm, cụm dân cư nơi cư trú.
Thì tại Nghị định 176/2013 ban hành thay thế Nghị định 114/2006 được ban hành không còn quy định về hình thức xử lý hành chính về hành vi này. Và tại Nghị định 112/2020 của Chính phủ cũng không đề cập gì đến việc xử lý việc sinh con thứ ba. Đến thời điểm này, Pháp lệnh Dân số cũng chưa có sửa đổi về nội dung quy định các trường hợp sinh con thứ 3 không bị xử lý kỷ luật.
Bên cạnh đó, trong Quyết định 588/QĐ-TTg về chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng, một trong những yêu cầu từ Thủ tướng Chính phủ là:
“Bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên,...
Nội dung này có thể hiểu, những chính sách trước đây về xử lý vi phạm khi sinh con thứ ba sẽ dần được gỡ bỏ ở các khu vực có tỷ lệ sinh thấp. Đồng nghĩa với việc tại những địa phương có tỷ lệ sinh thấp, việc sinh con thứ ba sẽ vẫn được coi là phù hợp với chính sách dân số...
Tuy nhiên, cụ thể tại một số cơ quan, ban ngành có thể sẽ ban hành các quy định nội bộ hạn chế về việc sinh con thứ ba, nên bạn cần biết rõ quy định ở cơ quan, ban ngành nơi mình rõ hơn để biết thêm về điều này.
Quyết định 2019/QĐ-BYT (ban hành ngày 27/4/2021) đã công bố danh sách tỉnh, thành phố thuộc các vùng mức sinh áp dụng cho giai đoạn 2020-2025.
Vùng mức sinh thấp | Vùng mức sinh cao | Vùng mức sinh thay thế |
21 tỉnh, thành phố, gồm: TPHCM, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang. | 33 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Tĩnh, Lai Châu, Quảng Trị, Yên Bái, Điện Biên, Nghệ An, Tuyên Quang, Ninh Bình, Sơn La, Bắc Ninh, Nam Định, Hà Giang, Bắc Giang, Thanh Hóa, Phú Thọ, Kon Tum, Hòa Bình, Đăk Nông, Cao Bằng, Quảng Bình, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Gia Lai, Thái Nguyên, Hưng Yên, Đăk Lăk, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Bình, Hải Dương, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Hà Nam. | gồm 9 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Bình Định, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Phú Yên, Trà Vinh, Hải Phòng, Hà Nội và Bình Phước. |
Như vậy, chính sách dân số hiện nay sẽ hướng đến từng vùng, từng khu vực, tỉnh, thành để xác định:
- Địa phương có mức độ sinh dưới hai con sẽ khuyến khích để các cặp vợ chồng sinh đủ hai con.
- Địa phương có mức sinh cao, trung bình trên hai con, sẽ vận động giảm tỉ lệ sinh để đảm bảo đồng đều cơ cấu dân số.
Trên đây là thông tin về trường hợp sinh con thứ ba không bị kỷ luật đảng. Nếu còn băn khoăn về vấn đề này, bạn đọc có thể gửi câu hỏi tại đây hoặc liên hệ 19006192 để được các chuyên gia pháp lý của chúng tôi hỗ trợ.