hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 26/06/2019
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Từ 1/7/2019 tới đây, 6 Luật chính thức có hiệu lực

Ngày 1/7/2019 tới đây là một ngày quan trọng vì có đến 6 Luật sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ thời điểm này. Không ít đối tượng sẽ bị ảnh hưởng bởi sự điều chỉnh của các Luật này.

Luật Công an nhân dân 2018

Luật Công an nhân dân 2018 được Quốc hội thông qua cuối năm 2018, gồm 7 Chương 46 Điều.

Điểm nổi bật nhất của Luật này là việc sẽ xây dựng lực lượng Công an xã chính quy. Đây là điểm hoàn toàn mới so với Luật Công an nhân dân 2014.

Một điểm đáng chú ý khác là việc giảm thời hạn thực hiện nghĩa vụ Công an nhân dân xuống chỉ còn 24 tháng. Trước đây, khi Luật Công an nhân dân 2014 còn có hiệu lực, thời hạn này là 36 tháng, tuy nhiên nay chỉ còn 24 tháng và chỉ được kéo dài không quá 6 tháng.

Luật Phòng, chống tham nhũng 2018

Theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập sẽ được mở rộng hơn so với Luật cũ. Các đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập không còn được gói gọn ở “một số cán bộ, công chức” mà rộng hơn nhiều, bao gồm toàn bộ cán bộ, công chức không phân biệt chức vụ, đơn vị công tác .

Ngoài ra, đối tượng phải kê khai còn có:

- Sĩ quan công an nhân dân; sĩ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp;

- Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp;

- Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND).

Và cũng từ 1/7 sẽ bổ sung thêm một số tài sản, thu nhập phải kê khai. Nếu như trước đây chỉ cần kê khai nhà, đất; kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài thì sắp tới sẽ phải kê khai thêm công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, công trình xây dựng.

Đồng thời, các đối tượng còn phải kê khai cả tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai.

6 Luật có hiệu lực từ 1/7/2019

6 Luật có hiệu lực từ 1/7/2019

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học 2018

1/7/2019 cũng là ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học 2018 chính thức có hiệu lực.

Trước đây, tại Luật Giáo dục đại học 2012, các quy định của pháp luật quy định khá rạch ròi giữa các hình thức đào tạo. Tuy nhiên, từ 1/7 này, văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân không còn phân biệt hình thức đào tạo. Chỉ cần người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng ở trình độ đào tạo tương ứng, không phân biệt chính quy hay tại chức, không phân biệt liên thông hay đào tạo từ xa…

Nói cách khác bằng đại học chính quy và tại chức sẽ có giá trị ngang nhau từ 1/7 tới.

Luật Đặc xá 2018

Điểm nổi bật nhất của Luật Đặc xá 2018 là việc đã bổ sung thêm 16 tội danh người phạm tội không được xét đặc xá, bao gồm:

- Tội phản bội Tổ quốc;

- Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân;

- Tội gián điệp;

- Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ;

- Tội bạo loạn;

- Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân;

- Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Tội phá rối an ninh;

- Tội chống phá cơ sở giam giữ;

- Tội khủng bố;

- Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược;

- Tội chống loài người;

- Tội phạm chiến tranh;

- Tội tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê;

- Tội làm lính đánh thuê.

Luật Cạnh tranh 2018

Luật Cạnh tranh được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2018, thay thế Luật Cạnh tranh 2004. Luật này cũng có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2019.

Luật mới đã có những quy định nổi bật nhằm hoàn thiện kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Cụ thể, bổ sung thêm 3 thỏa thuận hạn chế cạnh tranh gồm:

- Thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận;

- Thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận;

- Thỏa thuận khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.

Luật Cảnh sát biển Việt Nam 2018

Luật Cảnh sát biển Việt Nam bao gồm 8 Chương, 41 Điều đã xác định rõ vai trò, vị trí của Cảnh sát biển Việt Nam, là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.

Luật này cũng xác định rõ chức năng của Cảnh sát biển chứ không quy định chung chung như trước. Một là tham mưu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất ban hành chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn trên biển. Hai là bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam. Ba là quản lý an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm chấp hành, pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền.

hieuluat.vn

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X