Tiếp công dân là trách nhiệm của cán bộ, công chức. Tuy nhiên họ cũng có quyền từ chối thực hiện. Vậy công chức được từ chối tiếp công dân trong trường hợp nào?
Tiếp công dân là gì? Mục đích tiếp công dân
Tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tiếp công dân đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định (khoản 1 Điều 2 Luật Tiếp công dân 2013).
Tiếp công dân bao gồm tiếp công dân thường xuyên, tiếp công dân định kỳ và tiếp công dân đột xuất.
Như vậy, việc tiếp công dân nhằm:
- Hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đúng quy định pháp luật, góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
- Tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước để xem xét, ra quyết định giải quyết khiếu nại; kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý tố cáo; xem xét, giải quyết kiến nghị, phản ánh; trả lời cho công dân biết theo quy định của pháp luật.
Ai có trách nhiệm tiếp công dân?
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tiếp công dân bao gồm:
- Chính phủ;
- Bộ, cơ quan ngang Bộ; Tổng cục và tổ chức tương đương; Cục;
- Ủy ban nhân dân các cấp;
- Cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
- Các cơ quan của Quốc hội;
- Hội đồng nhân dân các cấp;
- Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước;
- Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp;
- Tổ chức chính trị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập (thực hiện trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình).
Người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm phân công cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân thường xuyên (điểm c khoản 1 Điều 18 Luật Tiếp công dân).
Cán bộ, công chức được từ chối tiếp công dân trong trường hợp nào? (Ảnh minh họa)
Phải thực hiện tiếp công dân ở đâu?
Khoản 1 Điều 3 Luật Tiếp công dân nhấn mạnh, việc tiếp công dân phải được tiến hành tại nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Theo đó, nơi tiếp công dân bao gồm trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân hoặc nơi làm việc khác do cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân bố trí và phải được thông báo công khai hoặc thông báo trước cho người được tiếp.
Như vậy, cán bộ, công chức được phân công tiếp công dân phải tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân hoặc nơi làm việc khác do cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm tiếp công dân bố trí và được thông báo công khai hoặc thông báo trước cho người được tiếp.
Cán bộ, công chức được từ chối tiếp công dân trong trường hợp nào?
Người tiếp công dân được từ chối tiếp người đến nơi tiếp công dân trong các trường hợp quy định tại Điều 9 Luật Tiếp công dân:
- Người trong tình trạng say do dùng chất kích thích, người mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
- Người có hành vi đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác vi phạm nội quy nơi tiếp công dân;
- Người khiếu nại, tố cáo về vụ việc đã giải quyết đúng chính sách, pháp luật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, rà soát, thông báo bằng văn bản và đã được tiếp, giải thích, hướng dẫn nhưng vẫn cố tình khiếu nại, tố cáo kéo dài;
- Những trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Trên đây là phần giải đáp cho câu hỏi cán bộ, công chức được từ chối tiếp công dân trong trường hợp nào? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi qua hotline 19006192 để được hỗ trợ chi tiết.