Thông thường, nghĩa vụ nộp hồ sơ thai sản lên cơ quan bảo hiểm xã hội thuộc về người sử dụng lao động. Nhưng trong một số trường hợp, lao động nữ sẽ phải tự làm hồ sơ, thủ tục để được hưởng chế độ thai sản.
Trường hợp nào phải tự nộp hồ sơ hưởng thai sản
Theo quy định tại Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho người sử dụng lao động. Nhưng trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con, thời điểm nhận con, thời điểm nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú.
Tự nộp hồ sơ thai sản như thế nào?
Hồ sơ hưởng chế độ thai sản
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Quyết định số 636/QĐ-BHXH năm 2016, hồ sơ hưởng chế độ thai sản với lao động nữ sinh con bao gồm:
- Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con trừ trường hợp con chết mà chưa được cấp giấy chứng sinh;
- Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết;
- Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con;
- Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh;
- Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai;
- Nếu lao động nữ sinh con do mang thai hộ cần xuất trình thêm bản thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích nhân đạo;
- Sổ Bảo hiểm xã hội;
- Giấy tờ tùy thân có ảnh.
Lao động nữ sinh con nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú để được nhận quyền lợi.
hieuluat.vn