Theo quy định tại Công văn 899/BGDĐT-GDĐH, trước 17h ngày hôm nay (6/8), các trường phải hoàn thành công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 cho thí sinh. Nhiều trường đã tuyển đủ 100% chỉ tiêu ngay từ đợt này. Vì thế, cơ hội cho thí sinh trượt nguyện vọng 1 sẽ ít đi, tuy nhiên, không vì thế mà cánh cửa của các em đã khép lại.
Nộp nguyện vọng 2 vào các trường xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia
Thí sinh có điểm thi thấp hơn điểm chuẩn vào tất cả ngành học hoặc trường Đại học mình đã đăng ký là thí sinh trượt nguyện vọng 1. Lúc này, thí sinh cần tìm hiểu kỹ về các trường còn thiếu chỉ tiêu, số chỉ tiêu thiếu, cách đăng ký xét tuyển để quyết định nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo có cơ chế rất mềm dẻo tạo điều kiện cho các trường và thí sinh. Đó là các trường được phép xét tuyển nhiều đợt cho đến khi tuyển đủ chỉ tiêu. Thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng và có thể gửi hồ sơ xét tuyển bằng bản sao kết quả thi.
Thí sinh cần đưa ra những phán đoán chính xác và kịp thời để tăng cường khả năng trúng tuyển nguyện vọng 2 hoặc nguyện vọng 3 của mình.
Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 22/8, các trường bắt đầu xét tuyển bổ sung.
Cơ hội nào cho thí sinh trượt nguyện vọng 1?
Nộp hồ sơ vào các trường xét tuyển học bạ THPT
Hầu hết các trường Đại học sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để làm căn cứ xét tuyển. Tuy nhiên, cũng không ít trường dành nhiều chỉ tiêu tuyển sinh bằng cách xét học bạ THPT như: Đại học kinh doanh và công nghệ, Đại học Hòa Bình, Đại học Thành Đô, Đại học Tài Nguyên và môi trường… Có trường kéo dài thời gian tuyển sinh bằng xét học bạ đến tận tháng 9, tháng 10…
Đây được coi là những chiếc “phao cứu sinh” cho các thí sinh trượt nguyện vọng 1. Tuy nhiên, các thí sinh cũng cần cân nhắc nguyện vọng, sở thích để lựa chọn trường Đại học có ngành học mà mình yêu thích nhằm tạo ra hứng thú học tập.
Học nghề
Với tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” như ở Việt Nam, học nghề cũng là một hướng đi được nhiều người lựa chọn. Nếu đã cố gắng nhưng không thể đỗ vào Đại học, Cao đẳng hoặc không đỗ được ngành học mình yêu thích, học nghề có thể giúp con đường đến thành công của bạn ngắn hơn.
Lựa chọn ngành học theo đúng nhu cầu xã hội sẽ khiến cơ hội xin việc sau khi hoàn thành chương trình học dễ dàng hơn rất nhiều.