Bên cạnh PC-Covid, Bộ Y tế, Bộ Công an và Bộ Thông tin truyền thông đã thống nhất về việc để người dân dùng thêm hai ứng dụng khác để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đó là những ứng dụng nào?
Các ứng dụng phòng, chống Covid liên thông chia sẻ dữ liệu
Trước hết, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho chúng tôi. Về vấn đề bạn hỏi, chúng tôi xin phép được trả lời như sau:
Mới đây, vào ngày 16/10, tại hội nghị trực tuyến về quán triệt một số nội dung trong tiêm chủng vắc xin phòng Covid, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Huy Dũng cho rằng, dữ liệu tiêm chủng rất quan trọng trong quá trình triển khai chiến dịch tiêm chủng diện rộng trên toàn quốc.
Vì dữ liệu tiêm chủng rất cần tính chính xác thông tin của người dân nên Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông thống nhất sử dụng cơ sở quốc gia về dữ liệu dân cư là cơ sở dữ liệu gốc để đối soát, xác minh thông tin chính xác của người dân.
Để đảm bảo thông tin được chính xác, những người mới tiêm vắc xin từ thời điểm này cần xác minh thông tin về thân nhân, danh tính ngay từ đầu để đảm bảo thông tin được chính xác. Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đã đề nghị người dân trước khi đi tiêm chủng phải cài đặt nền tảng Sổ Sức khoẻ điện tử.
Từ ngày 20/10 trở đi, cơ sở thực hiện tiêm chủng vắc xin phải sử dụng nền tảng tiêm chủng.
Các điểm tiêm lập kế hoạch tiêm dựa trên nền tảng; tiêm theo thông tin của người tiêm đã có trên nền tảng và in 100% chứng nhận tiêm chủng từ nền tảng này. Như vậy, dữ liệu tiêm chủng mới mang tính chính xác.
Cũng trong hội nghị, Bộ Y tế, Bộ Công an và Bộ Thông tin Truyền thông bộ đã thống nhất là sẽ hoạt động liên thông chia sẻ dữ liệu.
Trước đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã chỉ đạo chỉ có 1 ứng dụng phục vụ chống dịch là PC-Covid. Tuy nhiên, người dân vẫn có thể dùng 02 ứng dụng khác về lâu dài (dùng được cả khi có dịch bệnh hay không):
- Sổ Sức khoẻ điện tử (do Bộ Y tế chủ trì) thay cho sổ y bạ giấy
- Ứng dụng VNEID (của Bộ Công an) dùng để xác thực thông tin, danh tính người dân phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước khác của Bộ Công an.
Dự kiến từ ngày 20/10, cả 3 nền tảng này sẽ liên thông phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 và trong cuộc sống của người dân.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề nghị chính quyền các địa phương phổ biến cho người dân phải phản ánh thông tin dữ liệu tiêm chủng bị sai hoặc chưa chính xác, chưa đầy đủ trên Cổng tiêm chủng quốc gia trước ngày 25/10. Nếu sau ngày 25/10 vẫn xảy ra còn sai sót, người dân phản ánh trực tiếp tại cơ sở tiêm chủng. Về việc chuẩn hoá lại dữ liệu tiêm chủng trước đây, các tỉnh, thành phải tổ chức nhanh chóng, hoàn thành trước ngày 11/11/2021. |
Có 3 ứng dụng phục vụ phòng, chống Covid sẽ hoạt động liên thông chia sẻ dữ liệu. (Ảnh minh họa)
PC-Covid không khai thác dữ liệu người dùng
Hiện, PC-Covid cần được cấp 4 quyền gồm: Sử dụng Bluetooth; truy cập thông báo trên điện thoại (hệ điều hành Android); sử dụng camera; truy cập ảnh, video, âm thanh, tệp.
Chính vì, yêu cầu quyền truy cập như vậy, nên nhiều người lo ngại việc PC-Covid thu thập thông tin người.
Về vấn đề này, Cục An toàn thông tin đã khẳng định, PC-Covid là ứng dụng của cơ quan nhà nước, tuân thủ các quy định của pháp luật, tuyệt đối không khai thác thông tin người dùng.
Ngoài ra, khi các ứng dụng (kể cả ứng dụng PC-Covid) sử dụng các quyền có liên quan, hệ điều hành sẽ hiện bảng hỏi người dùng có đồng ý không.
Ví dụ, PC-Covid chỉ cần quyền truy cập ảnh để lưu mã QR, hệ điều hành sẽ có những cảnh báo đến người dùng về việc sử dụng cả cụm quyền liên quan đến hình ảnh, âm thanh, video… và mỗi hệ điều hành sẽ có cảnh báo khác nhau…
Tất cả các quyền ứng dụng xin được cấp đều đều được hệ điều hành thông báo rõ trước khi xác nhận. Các quyền này được kiểm duyệt rất kỹ trước khi cho phát hành trên kho ứng dụng của App Store (hệ điều hành IOS) và Google Play (hệ điều hành Android)
Cục An toàn thông tin cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, khi ứng dụng PC-Covid có phiên bản cập nhật, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền đánh giá, kiểm tra, đồng thời yêu cầu nhóm phát triển khắc phục những điểm yếu, tồn tại (nếu có).
Vừa rồi là những giải đáp liên quan đến ứng dụng phòng, chống Covid. Hi vọng rằng, bạn sẽ nắm rõ hơn những thông tin về các ứng dụng này. Nếu bạn còn vướng mắc, có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.
>> Để có thông tin đúng, đủ nhất trên PC-Covid, cần làm gì?
>> Sai thông tin trên ứng dụng PC-Covid, sửa thế nào?