Khi đang ở nước ngoài nhưng muốn ủy quyền cho người thân bán nhà đất ở Việt Nam có được không? Hãy cùng giải đáp vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Mua bán nhà đất là cách gọi phổ biến của người dân, theo pháp luật đất đai đây là việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữ nhà ở và tài sản gắn liền với đất.
Đang ở nước ngoài có được ủy quyền bán nhà không?
Theo quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật Đất đai 2013 về người sử dụng đất gồm:
“6. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch";
Theo đó, trường hợp bạn là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì sẽ được quyền sử dụng đất tại Việt Nam. Cụ thể, điểm bkhoản 2 Điều 186 Luật Đất đai 2013 quy định
"2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
b) Chuyển quyền sử dụng đất ở khi bán, tặng cho, để thừa kế, đổi nhà ở cho tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam để ở; tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở cho Nhà nước, cộng đồng dân cư, tặng cho nhà tình nghĩa theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 174 của Luật này…”.
Như vậy, mặc dù đang cư trú ở nước ngoài nhưng bạn vẫn có quyền chuyển nhượng nhà đất của mình cho người khác. Tuy nhiên, cần lưu ý về điều kiện đối với tài sản chuyển nhượng:
- Có Giấy chứng nhận;
- Không có tranh chấp;
- Không bị kê biên để đảm bảo thi hành án.
Trường hợp không thể tự mình chuyển nhượng thì có quyền ủy quyền cho người khác thay mặt mình thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở theo Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015.
Ủy quyền bán nhà khi đang ở nước ngoài được không? (Ảnh minh họa)
Ủy quyền bán nhà khi đang ở nước ngoài thực hiện thế nào?
Như đã trình bày ở trên, căn cứ Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015, bạn có thể ủy quyền cho người thân của mình để thực hiện quyền chuyển nhượng khi không có mặt tại Việt Nam thông qua hợp đồng ủy quyền.
Mặc dù không có quy định nào đắt buộc hợp đồng ủy quyền phải có công chứng, tuy nhiên để tránh xảy ra rủi ro và tranh chấp sau này khi ủy quyền chuyển nhượng nhà đất thì các bên nên công chứng hợp đồng ủy quyền.
Đối với trường hợp của bạn, do bạn và chị gái của mình không thể cùng đến văn phòng công chứng để lập hợp đồng ủy quyền công chứng nên hợp đồng ủy quyền này sẽ được công chứng ở hai nơi khác nhau theo khoản 2 Điều 55 Luật Công chứng 2014. Cụ thể:
2. Trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền".
Đồng thời,Điều 78 Luật Công chứng 2014 nêu rõ việc công chứng của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài:
“Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản ủy quyền và các hợp đồng, giao dịch khác theo quy định của Luật này và pháp luật về lãnh sự, ngoại giao, trừ hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng bất động sản tại Việt Nam.”
Như vậy, theo quy định trên thì bạn có thể đến Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán của Việt Nam tại nơi bạn đang cư trú để công chứng Hợp đồng uỷ quyền sau đó gửi hợp đồng uỷ quyền đó về Việt Nam cho chị gái.
Sau khi chị gái bạn nhận được hợp đồng uỷ quyền trên thì tiếp tục đến Văn phòng công chứng tại Việt Nam để thực hiện công chứng hợp đồng ủy quyền đó. Sau khi đã hoàn thành thủ tục công chứng Hợp đồng uỷ quyền theo đúng quy định chị gái bạn có thể thay mặt bạn thực hiện các thủ tục để chuyển nhượng nhà đất.
Trên đây là giải đáp về Có được ủy quyền bán nhà khi đang ở nước ngoài không? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.