hieuluat
Chia sẻ email

Vừa đi làm vừa nhận bảo hiểm thất nghiệp có sao không?

Mục lục bài viết
  • Vừa đi làm vừa nhận bảo hiểm thất nghiệp có sao không?
  • Đã có việc làm mà vẫn nhận trợ cấp thất nghiệp có bị xử phạt không?
  • Thủ tục chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi có việc làm

Vừa đi làm vừa nhận bảo hiểm thất nghiệp có sao không? Đã có việc làm mà vẫn nhận trợ cấp thất nghiệp có bị xử phạt không? Thủ tục chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp được thực hiện thế nào? Cùng tìm hiểu về những vấn đề này thông qua bài viết dưới đây.

Câu hỏi: Tôi mới tìm được việc làm mới sau 2 tháng thất nghiệp. Tháng trước tôi được nhận trợ cấp thất nghiệp. Vậy giờ tôi đã đi làm thì có tiếp tục được nhận trợ cấp thất nghiệp hay không? Đã có việc làm mà vẫn nhận trợ cấp thất nghiệp có bị xử phạt không?

Vừa đi làm vừa nhận bảo hiểm thất nghiệp có sao không?

Vừa đi làm vừa nhận bảo hiểm thất nghiệp bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể:

Vừa đi làm vừa nhận bảo hiểm thất nghiệp có sao không?

Bảo hiểm thất nghiệp là một trong các loại bảo hiểm xã hội nhằm hỗ trợ cho người lao động khi bị chấm dứt hợp đồng lao động, bị mất việc. Trong đó, bảo hiểm thất nghiệp bao gồm trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hoặc được hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm (chế độ dành cho người sử dụng lao động), cụ thể như sau:

(1) Đối với khoản trợ cấp thất nghiệp, căn cứ điểm b khoản 3 Điều 53 Luật Việc làm năm 2013 có quy định trường hợp người hưởng trợ cấp đã tìm được việc làm thì bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cụ thể căn cứ điểm b khoản 1 Điều 21 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP) thì người lao động được xem là có việc làm khi thuộc trường hợp sau:

- Một là người này đã giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc với thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên. Trong đó, ngày có việc làm được xác định là ngày hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động có hiệu lực;

- Hai là người này có quyết định bổ nhiệm hoặc tuyển dụng đối với những trường hợp không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Trong đó, ngày có việc làm được xác định là ngày người lao động được tuyển dụng hoặc bổ nhiệm ghi trong quyết định tuyển dụng hoặc bổ nhiệm;

- Ba là người này có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với trường hợp người lao động là chủ hộ kinh doanh, chủ doanh nghiệp. Trong đó, ngày có việc làm được xác định là ngày người lao động thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm về việc bắt đầu hoạt động kinh doanh;

- Cuối cùng là trường hợp người lao động thông báo đã có việc làm cho trung tâm dịch vụ việc làm. Trong đó, ngày có việc làm được xác định là ngày ghi trong thông báo có việc làm của người lao động.

(2) Đối với hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề:

Căn cứ Điều 54 và 55 Luật Việc làm 2013 thì người đã có việc làm không thỏa mãn điều kiện được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí và được hỗ trợ học nghề.

(3) Đối với hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm:

Đây là chính sách dành cho người sử dụng lao động nhằm hỗ trợ một phần chi phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho người lao động. Trong trường hợp này người lao động đang có việc làm vẫn có thể được hưởng hỗ trợ.

Tóm lại, nếu đã tìm được việc làm anh/chị cần thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm. Trường hợp anh/chị không thông báo và vẫn tiếp tục nhận trợ cấp thất nghiệp và các hỗ trợ khác được của bảo hiểm thất nghiệp thì được xem là hành vi vi phạm pháp luật.

Đã có việc làm mà vẫn nhận trợ cấp thất nghiệp có bị xử phạt không?

Như đã phân tích tại phần trên, trường hợp đã có việc làm nhưng không thông báo cho Trung tâm dịch vụ việc làm mà vẫn tiếp tục nhận trợ cấp thất nghiệp hay các hỗ trợ khác của bảo hiểm thất nghiệp được cho là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 01 - 02 triệu đồng.

Cụ thể khoản 1 Điều 40 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có quy định như sau:

“Vi phạm quy định về lập hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lao động có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi người lao động có việc làm trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp;

c) Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không thông báo theo quy định với Trung tâm dịch vụ việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: có việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hưởng lương hưu hằng tháng; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.”

Theo đó, trường hợp người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp có việc làm mà không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm thì có thể bị phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng. Ngoài ra, người này phải nộp lại số tiền trợ cấp thất nghiệp đã nhận cho cơ quan bảo hiểm xã hội do hành vi vi phạm pháp luật nêu trên. 

Thủ tục chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi có việc làm

Thủ tục chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi có việc làmThủ tục chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi có việc làm

Khi người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp đã có việc làm theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 21 Nghị định 28/2015/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Nghị định 61/2020/NĐ-CP) cần thực hiện thủ tục chấm dứt việc hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau: 

Bước 1: Người lao động thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày người lao động được xem là có việc làm người lao động (ngày hợp đồng lao động, hợp đồng việc làm có hiệu lực; ngày có quyết định bổ nhiệm hoặc tuyển dụng,...) phải thực hiện việc thông báo với trung tâm dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Người lao động cần chuẩn bị Mẫu thông báo số 23 ban hành kèm theo Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH và các bản chụp của giấy tờ khác có liên quan đến việc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Lưu ý: Nếu gửi theo đường bưu điện thì thời hạn được tính theo ngày ghi trên dấu bưu điện.

Bước 2: Giám đốc của Sở lao động Thương binh và Xã hội tại nơi hưởng trợ cấp ban hành quyết định về việc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Bước 3: Trung tâm dịch vụ việc làm gửi quyết định cho Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh và người lao động. 

Trên đây là thông tin về vấn đề vừa đi làm vừa nhận bảo hiểm thất nghiệp. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ theo số  19006192 để được hỗ trợ.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X