Trong nhiều trường hợp, công dân đã có tên trong danh sách cử tri tham gia bầu cử nhưng không đi được hoặc không thể viết phiếu. Vậy, có được nhờ người khác bầu cử hộ không?
Không đi bầu cử, nhờ người khác bỏ phiếu thay được không?
Trả lời:
Theo Điều 69 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử Hội đồng nhân dân 2015, nguyên tắc bỏ phiếu bầu cử được quy định
Điều 69. Nguyên tắc bỏ phiếu
1. Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân.
2. Cử tri phải tự mình, đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này; khi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri.
Từ quy định trên, việc bầu cử thay là không được phép. Mỗi cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay.
Tuy nhiên, vẫn có trường hợp được nhờ người khác viết hộ nhưng vẫn phải tự mình bỏ phiếu. Khi cử tri viết phiếu bầu, không ai được xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử. Khi cử tri bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử có trách nhiệm đóng dấu “Đã bỏ phiếu” vào thẻ cử tri.
Nhờ người khác viết phiếu bầu cử thay có được không? (Ảnh minh họa)
Bỏ phiếu hộ có phải vi phạm pháp luật không?
Trả lời:
Căn cứ quy định tại Điều 69 nêu trên, cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay. Có thể hiểu, việc bỏ phiếu thay là vi phạm pháp luật về bầu cử. Do đó, tùy từng trường hợp sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Điều 74 Luật Bầu cử Quốc hội và bầu cử Hội đồng nhân dân quy định về những phiếu bầu sau đây là phiếu bầu không hợp lệ:
- Phiếu không theo mẫu quy định do Tổ bầu cử phát ra.
- Phiếu không có dấu của Tổ bầu cử.
- Phiếu để số người được bầu nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử.
- Phiếu gạch xóa hết tên những người ứng cử;
- Phiếu ghi thêm tên người ngoài danh sách những người ứng cử hoặc phiếu có ghi thêm nội dung khác.
Trường hợp có phiếu bầu được cho là không hợp lệ thì Tổ trường Tổ bầu cử đưa ra để toàn Tổ xem xét, quyết định. Tổ bầu cử không được gạch xóa hoặc sửa các tên ghi trên phiếu bầu.
Có được nhờ người khác viết thay phiếu bầu không?
Trả lời:
Từ phân tích quy định trên, cử tri không được nhờ người khác bầu cử thay mà phải tự mình tham gia bỏ phiếu. Tuy nhiên, nếu cử tri thuộc trường hợp tại khoản 3, khoản 4 Điều 69 Luật này thì được nhờ người khác viết phiếu bầu thay, cụ thể:
- Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu, người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri.
Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
-Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.
Như vậy, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử Hội đồng nhân dân đã có quy định tạo điều kiện cho cử tri không thể viết được phiếu bầu, người ốm đau, già yếu… được nhờ người khác viết hộ.
Trên đây là giải đáp viết phiếu bầu cử thay có được không. Nếu có thắc mắc khác về vấn đề này, bạn đọc vui lòng để lại câu hỏi tại đây.
Xem thêm: