hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 10/12/2020
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Vợ ở nhà làm nội trợ có được chia tài sản khi ly hôn không?

Hiện nay, không hiếm gặp phụ nữ sau kết hôn, vì muốn tập trung lo tốt cho gia đình mà nghỉ hẳn ở nhà làm nội trợ. Vậy khi ly hôn, những người vợ ở nhà làm nội trợ có được chia tài sản không?

1. Ly hôn, nếu vợ ở nhà làm nội trợ có được chia tài sản không?

Tôi năm nay 28 tuổi, lập gia đình được 4 năm, chúng tôi có một con gái 3 tuổi. Do cuộc sống gia đình gặp nhiều biến cố không thể hòa giải nên tôi quyết định ly hôn. Tuy nhiên, từ khi cưới, tôi nghe lời anh, nghỉ làm hẳn ở nhà để lo chu toàn nhà cửa con cái, nên toàn bộ chi phí trong nhà đều do một tay anh lo liệu. Vậy giờ khi ra tòa ly hôn, tôi có được chia tài sản cùng chồng không? Tôi cảm ơn, mong sớm nhận được phản hồi. (Vương Tuyết Nga – Hà Nội).

Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn được chia đôi nhưng tính đến các yếu tố như:

- Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng

- Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.

- Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập.

- Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Đặc biệt, Luật này cũng chỉ rõ: Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập. Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn điều này như sau:

Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn

Cụ thể với trường hợp của bạn, chồng đi làm, vợ ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái thì vẫn được tính là có thu nhập tương đương với thu nhập của người đi làm. Do đó, vợ và chồng vẫn bình đẳng với nhau khi chia tài sản khi ly hôn.

Tuy nhiên, thực tế, việc chứng minh công sức đóng góp của bên nào nhiều hơn vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung trong trường hợp này là tương đối khó, cần phải xem xét thật toàn diện, khách quan.

Xem tiếp: Xử lý tài sản đang thế chấp khi ly hôn thế nào?

Vo o nha lam noi tro co duoc chia tai san khong

Vợ ở nhà làm nội trợ có được chia tài sản không? (Ảnh minh họa)

2. Có được chia tài sản trước khi ra tòa không?

Cho tôi hỏi, vợ chồng tôi quyết định ly hôn. Chúng tôi có 01 con chung đã 7 tuổi, 01 chung cư mua cách đây 5 năm, 01 mảnh đất ở ngoại thành Hà Nội, tất cả đều đứng tên sổ đỏ cả hai vợ chồng. Giờ chúng tôi thuận tình ly hôn, chúng tôi muốn tự thỏa thuận phân chia tài sản trước khi ra tòa. Vậy điều này có vi phạm quy định của pháp luật hiện nay không? (Minh Tiến – Thanh Hóa).

Theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn được quy định cụ thể như sau:

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định.

Do đó vợ, chồng hoặc cả hai người đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, quyền nuôi con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn.

Ngược lại, nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của hai bên thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Như vậy, có thể thấy, việc vợ chồng bạn tự thỏa thuận việc chia tài sản và quyền nuôi con một cách thuận tình và có sự đồng ý của cả hai bên trước khi gửi đơn ly hôn lên tòa là hoàn toàn chính đáng.Trường hợp không thỏa thuận được vấn đề chia tài sản thì có thể yêu cầu Tòa án phân chia để đảm bảo quyền lợi của các bên.

3. Sống chung như vợ chồng không kết hôn có được chia tài sản khi ly hôn?

Chào Vanbanluat, thời trẻ, tôi quan điểm thoáng và đơn giản, nên khi anh đề nghị kết hôn, tôi gạt đi vì thấy rằng chỉ cần sống chung hạnh phúc là được rồi, kết hôn làm gì, phiền phức ra. Sau hơn 10 năm chung sống với nhau, vì nhiều lý do, chúng tôi đã quyết định chia tay. Chúng tôi có 02 con chung, và nhiều tài sản như nhà, xe, cửa hàng, công ty riêng được chúng tôi cùng gây dựng sau khi sống chung. Vậy, tôi có được chia tài sản đó khi chúng tôi chia tay không? (Hồng Thanh – Hồ Chí Minh).

Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về giải quyết tài sản của nam, nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như sau:

- Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.

Như vậy, trong trường hợp này, hai bạn chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì sau khi chấm dứt việc sống chung thì tài sản chung sẽ được chia theo thỏa thuận giữa hai bên hoặc chia theo nguyên tắc chia tài sản chung trong Bộ luật Dân sự có tính tới các yếu tố như: công sức đóng góp của mỗi người; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ...

4. Không đăng ký kết hôn, chia tay có được quyền yêu cầu trợ cấp nuôi con không?

Vợ chồng chúng tôi đều 22 tuổi, sống chung với nhau nhưng chưa đăng ký kết hôn, có một con trai 02 tuổi. Hiện chúng tôi đang có nhiều lục đục và quyết định chia tay. Mới đây, tôi có trao đổi với anh ấy là muốn anh mỗi tháng cấp dưỡng cho con 2,5 triệu đồng, tiền ăn, đi nhà trẻ của con. Nhưng anh không đồng ý, mà để mặc cho tôi tự xoay sở nuôi con một mình. Cho tôi hỏi, không đăng ký kết hôn như thế, tôi có được yêu cầu người kia về khoản cấp dưỡng nuôi con không? (Nguyễn Duyên – Phú Thọ).

Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc đăng ký kết hôn như sau:

- Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.

- Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.

Như vậy về mặt pháp lý thì hai bạn không được pháp luật công nhận là vợ chồng mà chỉ là quan hệ sống chung như vợ chồng.

Do đó, con của hai bạn sinh ra tại thời điểm chưa có đăng ký kết hôn thì chưa được coi là con chung của hai bạn trừ khi chồng bạn đã làm thủ tục nhận cha cho con và đưa tên cha vào giấy khai sinh của con.

Mặt khác, về vấn đề cấp dưỡng nuôi con, trường hợp hai bạn đã làm thủ tục nhận cha cho con rồi thì việc cấp dưỡng chi phí nuôi con là trách nhiệm của người cha, nếu hai bạn không thỏa thuận được về việc cấp dưỡng này thì bạn có thể yêu cầu tòa án nhân dân nơi người chồng đang cư trú để khởi kiện yêu cầu cấp dưỡng.

Xem thêm:

Sổ đỏ đứng tên chồng, ly hôn chia thế nào?

Nguyên tắc phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn?

hieuluat.vn

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X