hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 25/05/2018
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Vụ lật tàu ở Thanh Hóa: Chế tài đối với nhân viên gác chắn?

Theo một số nhân chứng vụ lật tàu ở Thanh Hóa, khi xảy ra tai nạn, hàng rào chắn ngang đường tàu với khu dân sinh không được kéo vào. Vậy, nhân viên gác chắn có thể phải chịu chế tài nào?

Xử lý hình sự theo điều 360 Bộ luật Hình sự 2015

Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 quy định về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng như sau:

Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:

- Làm chết người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

- Làm chết 02 người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

- Làm chết 03 người trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Hiện nay vẫn chưa có kết quả điều tra của cơ quan chức năng nên chưa thể vội vàng khép tội đối với nhân viên gác chắn. Tuy nhiên, nếu kết quả điều tra cho thấy nhân viên gác chắn (người có chức vụ, quyền hạn) đã lơ là nhiệm vụ, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ mà người đó được giao là kéo rào chắn để cảnh báo cho các phương tiện tham gia giao thông biết có tàu đang tới thì có thể sẽ bị xử lý hình sự với tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Hiện nay, đã có 2 người chết trong vụ lật tàu nên nhân viên gác chắn có thể bị áp dụng Khoản 2 Điều 360 với mức phạt từ 3 đến 7 năm tù.

Vụ lật tàu ở Thanh Hóa: Chế tài đối với nhân viên gác chắn?

Vụ lật tàu ở Thanh Hóa: Chế tài đối với nhân viên gác chắn?

Xử lý hình sự theo Điều 179 Bộ luật hình sự 2015

Nếu cơ quan chức năng xác định được nhân viên gác chắn thiếu trách nhiệm gây ra thiệt hại cả về tài sản nhà nước thì có thể bị truy tố thêm tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo Điều 179 Bộ luật hình sự 2015. Điều này được quy định cụ thể như sau:

Người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trị giá 2.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Tuy nhiên, không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, bài viết trên đây chỉ mang tính tham khảo trước khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng và bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Có thể bạn quan tâm

X