Di tích lịch sử - văn hóa là tài sản vô giá, gắn kết cộng đồng dân tộc, là cốt lõi của bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, vấn đề xác định quyền sở hữu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cho đến nay vẫn gây ra nhiều tranh cãi.
Xác định quyền sở hữu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
Theo quy định của Luật Đất đai 2013, Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được UBND cấp tỉnh quyết định bảo vệ thì phải được quản lý nghiêm ngặt.
Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được UBND cấp tỉnh quyết định bảo vệ thực hiện theo quy định sau đây:
- Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh độc lập do cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân đó;
- Trường hợp di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh là một khu vực có nhiều người sử dụng đất, có nhiều loại đất khác nhau thì cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho từng người sử dụng, từng loại đất trong khu vực đó. Người sử dụng đất phải tuân theo các quy định về bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Dinh vua Mèo - nơi có những tranh chấp trong thời gian dài về quyền sở hữu di tích
Quyền sở hữu di tích của tư nhân được pháp luật bảo vệ
Quyền sở hữu tài sản là một quyền thiêng liêng, được ghi nhận trong Hiến pháp. Hiến pháp năm 2013 ghi nhận mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất…
Hiến pháp cũng khẳng định: Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa. Chỉ có đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Luật Di sản văn hóa cũng quy định: Nhà nước công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu tập thể, sở hữu chung của cộng đồng, sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu khác về di sản văn hoá theo quy định của pháp luật.
Như vậy, từ Hiến pháp cho đến Luật Di sản văn hóa đều bảo vệ quyền sở hữu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh của cá nhân. Vấn đề đặt ra là cần làm gì để hài hòa quyền lợi và nghĩa vụ của chủ sở hữu và việc gắn kết giữa người dân và chính quyền trong việc bảo tồn di sản.
Xem thêm:
Viết bậy lên di tích lịch sử, văn hóa, một thói quen xấu của nhiều người Việt!
hieuluat.vn