Tình trạng hộ dân xây nhà ở, chuồng trại, nhà tạm,…trên đất nông nghiệp hiện nay khá phổ biến mặc dù pháp luật quy định khá rõ việc sử dụng đất phải đúng mục đích sử dụng. Vậy, xây nhà trên đất ông nghiệp bị xử lý như thế nào?
Xây nhà trên đất nông nghiệp có được không?
Đất trồng cây lâu năm được xác định là loại đất nông nghiệp, tại Điều 6 Luật Đất đai 2013 quy định về nguyên tắc sử dụng đất như sau:
1. Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất.
2. Tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh.
3. Người sử dụng đất thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Như vậy, người sử dụng đất phải sử dụng đúng mục đích ghi trong giấy chứng nhận, trường hợp muốn xây dựng nhà ở phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và chỉ được xây dựng nhà ở khi có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở (theo khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013, chuyển từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp phải xin phép).
Theo đó, việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sẽ dựa trên các căn cứ quy định tại Điều 52 Luật Đất đai 2013:
- Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
- Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Tóm lại, trường hợp của bạn khi muốn xây dựng nhà ở cần phải được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất mà không thể tự ý xây dựng nhà ở trên đất trồng cây lâu năm.
Xây nhà trên đất nông nghiệp bị xử lý như thế nào? (Ảnh minh họa)
Xây nhà trên đất nông nghiệp bị xử lý như thế nào?
Căn cứ Điều 9, 10, 11 và Điều 12 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, khi sử dụng đất sai mục đích, cụ thể trong trường hợp này là xây dựng nhà ở trên đất Nông nghiệp mà không chuyển mục đích sử dụng đất thì bị phạt tiền và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó có biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.
- Xử phạt vi phạm hành chính:
Tại khoản 2, khoản 3 Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định mức xử phạt khi chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp trái phép theo khu vực như sau:
+ Khu vực nông thôn:
Phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,02 héc ta;
Phạt tiền từ 5.000.000 - 8.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;
Phạt tiền từ 8.000.000 - 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
Phạt tiền từ 15.000.000 - 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
Phạt tiền từ 30.000.000 - 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
Phạt tiền từ 50.000.000 - 100.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;
Phạt tiền từ 100.000.000 - 200.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.
+ Khu vực đô thị:
Hình thức và mức xử phạt bằng 02 lần mức phạt đối với khu vực nông thôn
- Biện pháp buộc khôi phục tình trạng ban đầu: Nếu xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp trái phép thì bắt buộc phải tháo dỡ, nếu không tự nguyện phá dỡ sẽ bị cưỡng chế tháo dỡ.
Như vậy, trường hợp bạn xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp trái phép sẽ bị xử phạt theo mức phạt quy định ở trên, đồng thời bắt buộc tháo dỡ nhà ở, nếu không tự nguyện tháo dỡ sẽ bị cưỡng chế.
Trường hợp bạn muốn xây nhà ở trên đất Nông nghiệp thì phải tiến hành chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở.
Xem thêm: Chuyển từ đất trồng cây lâu năm sang đất ở
Trên đây là giải đáp về Xây nhà trên đất nông nghiệp bị xử lý như thế nào? Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.