hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 03/09/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Xe tập lái gây tai nạn: Ai phải chịu trách nhiệm?

Mục lục bài viết
  • Trách nhiệm khi xe tập lái gây tai nạn được quy định như thế nào?
  • Trách nhiệm của người điều khiển xe tập lái
  • Trách nhiệm của giáo viên hướng dẫn xe tập lái
  • Trách nhiệm của trường xe dạy lái
  • Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xe tập lái gây tai nạn

Trách nhiệm khi xe tập lái gây tai nạn được quy định như thế nào?

Trách nhiệm khi xe tập lái gây tai nạn được quy định như thế nào?

Trách nhiệm khi xe tập lái gây tai nạn được quy định như thế nào?

Theo quy định hiện hành, người học lái xe phải lái đủ:

  • Đối với thực hành lái trên sân tập lái: xe số tự động đủ 45 giờ, xe số cơ khí đủ 45 giờ, hạng B2 đủ 45 giờ, hạng C đủ 46 giờ;

  • Đối với lái xe trên đường giao thông: xe số tự động đủ 20 giờ, xe số cơ khí đủ 36 giờ, hạng B2 đủ 36 giờ, hạng C đủ 45 giờ;

  • Đối với thực hành trên ca bin học lái xe ô tô: xe số tự động đủ 3 giờ, xe số cơ khí đủ 3 giờ, hạng B2 đủ 3 giờ, hạng C đủ 3 giờ;

  • Đối với thực hành lái xe trên sân tập lái: xe số tự động đủ 290 km, xe số cơ khí đủ 290 km, hạng B2 đủ 290 km, hạng C đủ 275 km;

  • Đối với thực hành lái xe trên đường giao thông: xe số tự động đủ 710 km, xe số cơ khí đủ 810 km, hạng B2 đủ 810 km, hạng C đủ 825 giờ;

Để đảm bảo có đầy đủ điều kiện cũng như an toàn khi lưu thông trên đường và kỹ năng cần thiết khi tham gia giao thông, người lái xe đều trải qua các quá trình thực hành tập lái trên. Tuy nhiên, trong quá trình di chuyển thực hành, nếu không may gây ra tai nạn, trách nhiệm của các bên là:

Trách nhiệm của người điều khiển xe tập lái

Trường hợp trong quá trình thực hành tập lái xe, học viên không may gây tai nạn nghiêm trọng dẫn đến tử vong người đi đường, căn cứ theo quy định tại Điều 260, Bộ luật Hình sự năm 2015:

“1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Như vậy, người lái xe trong quá trình tập lái có thể chịu mức phạt cao nhất là 15 năm tù nếu gây tai nạn nghiêm trọng.

Trong trường hợp khác, học viên lái xe có thể bị chịu mức phạt theo Điều 128 Tội vô ý làm chết người, Bộ luật Hình sự năm 2015 nếu học viên là người trực tiếp gây ra tai nạn do lỗi vô ý vì quá tự ý hoặc do lỗi vô ý vì quá cẩu thả.

Trách nhiệm của giáo viên hướng dẫn xe tập lái

Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, giáo viên hướng dẫn xe tập lái phải đáp ứng những tiêu chuẩn chung bao gồm về các chứng chỉ (nghiệp vụ sư phạm, sư phạm dạy nghề, bồi dưỡng sư phạm), quy định về sức khỏe, phẩm chất, tư cách đạo đức.

Ngoài ra, đối với giáo viên hướng dẫn lý thuyết lái xe cần có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên, trường hợp hướng dẫn môn Kỹ thuật lái xe, giáo viên cần có Bằng lái xe hạng tương ứng xe đào tạo trở lên.

Đối với giáo viên hướng dẫn thực hành lái xe căn cứ theo quy định tại Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT ban hành kèm với Phụ lục 28, giáo viên cần có Bằng lái xe hạng tương ứng xe đào tạo trở lên trong thời gian đủ 03 năm trở lên và tốt nghiệp cấp trung học phổ thông trở lên. Bên cạnh đó, giáo viên hướng dẫn thực hành phải hoàn thành tập huấn chương trình nghiệp vụ lái xe.

Khi xảy ra tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng, giáo viên hướng dẫn không đủ các điều kiện trên hoặc có những vi phạm về quy định đào tạo, giám sát thực hành lái xe, giao xe cho người không đủ điều kiện là vi phạm quy định của Bộ Giao thông vận tải về đào tạo, sát hạch lái xe.

Giáo viên có thể chịu mức phạt cao nhất là 12 năm tù theo quy định tại Điều 360 Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Bộ luật Hình sự năm 2015 nếu có dấu hiệu cẩu thả, vô trách nhiệm khi hướng dẫn.

Trách nhiệm của trường xe dạy lái

Theo quy định tại Nghị định số 88/2022/NĐ-CP của Chính phủ, khi xảy ra tai nạn có hậu quả nghiêm trọng, Trường xe dạy lái cần kiểm tra, rà soát lại hồ sơ giáo viên, học viên, xe dạy lái có đáp ứng đủ các điều kiện tiêu chuẩn không. Bên cạnh đó kiểm tra quy trình dạy lái, hoạt động sát hạch, đào tạo đã tuân thủ đúng quy định chưa.

Nếu có dấu hiệu vi phạm, trường xe dạy lái sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định tuỳ vào từng trường hợp và mức độ vi phạm.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xe tập lái gây tai nạn

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xe tập lái gây tai nạn

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi xe tập lái gây tai nạn

Căn cứ theo quy định tại Điều 600, Bộ luật Dân sự năm 2015: “Cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.”

Như vậy theo quy định nay, trường hợp xảy ra tai nạn có hậu quả nghiêm trọng trong quá trình thực hành lái xe thì trung tâm sát hạch lái xe nơi học viên đăng ký sẽ phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người chịu thiệt hại. Trung tâm sát hạch lái xe có thể yêu cầu học viên hoàn trả một phần hoặc toàn bộ khoản bồi thường tuỳ vào mức độ lỗi của học viên dẫn đến tai nạn.

Bên cạnh đó, căn cứ xác định phát sinh bồi thường thiệt hại được quy định cụ thể tại Điều 2, Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán, bao gồm:

  • Có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác;

  • Có thiệt hại xảy ra là thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần;

Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được của chủ thể bị xâm phạm, bao gồm tổn thất về tài sản mà không khắc phục được; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút do tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp khác bị xâm phạm.

Thiệt hại về tinh thần là tổn thất tinh thần do bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích nhân thân khác mà chủ thể bị xâm phạm hoặc người thân thích của họ phải chịu và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất đó.

  • Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi xâm phạm. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi xâm phạm và ngược lại hành vi xâm phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại.

Trên đây là những thông tin về vấn đề xe tập lái gây tai nạn, ai phải chịu trách nhiệm mà chúng tôi cung cấp đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc về các quy định của luật giao thông đường bộ, vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn, hỗ trợ.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X