hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 30/08/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Xác nhận sơ yếu lý lịch ở đâu? Cần mang theo những gì?

Sơ yếu lý lịch là giấy tờ cần thiết dùng trong nhiều trường hợp như xin việc, bổ sung hồ sơ cá nhân,... Tuy nhiên xác nhận sơ yếu lý lịch ở đâu? Cần mang theo những gì? Bài viết sau đây sẽ giải đáp tất cả vướng mắc liên quan đến việc xác nhận sơ yếu lý lịch.

Mục lục bài viết
  • Xác nhận sơ yếu lý lịch để làm gì? 
  • Xác nhận sơ yếu lý lịch ở đâu? 
  • Cần mang theo giấy tờ gì khi xin xác nhận sơ yếu lý lịch?
  • Thủ tục xác nhận sơ yếu lý lịch năm 2023
  • Hướng dẫn viết sơ yếu lý lịch chính xác nhất
Câu hỏi: Em muốn tìm hiểu quy định xác nhận sơ yếu lý lịch ở đâu? Cần mang theo những gì? Mong được tư vấn theo quy định cập nhật nhất.

Xác nhận sơ yếu lý lịch để làm gì? 

Xác nhận sơ yếu lý lịch để làm gì?

Sơ yếu lý lịch là bản thông tin lý lịch, bản tự khai của cá nhân về các thông tin cá nhân, học vấn, địa chỉ,... Đây là một trong những giấy tờ cần thiết được công dân sử dụng trong nhiều trường hợp như khai báo thông tin cá nhân, hồ sơ xin việc, bổ sung hồ sơ,... Theo đó, sơ yếu lý lịch phải được xác nhận bởi cơ quan có thẩm quyền.

Nhiều người hiện nay đang hiểu rằng xác nhận sơ yếu lý lịch là xác nhận các nội dung được kê khai trong bản sơ yếu, tuy nhiên đây là cách hiểu sai. Theo điểm b khoản 4 Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì xác nhận sơ yếu lý lịch được hiểu là việc xác nhận, chứng thực chữ ký của người khai lý lịch (người yêu cầu). Tức là chỉ xác nhận về chữ ký, không xác thực nội dung khai sơ yếu lý lịch.

Việc xác nhận sơ yếu lý lịch bởi những người có thẩm quyền sẽ xác định chính xác người khai và ký vào bản sơ yếu, làm căn cứ đánh giá rằng bản lý lịch đó có phải do chính người đó khai và cam kết thông tin hay không.

Xác nhận sơ yếu lý lịch ở đâu? 

Xác nhận sơ yếu lý lịch hay chứng thực chữ ký của người khai sơ yếu lý lịch, do đó áp dụng quy định tại khoản 9 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì công dân có thể yêu cầu một trong những cơ quan sau xác nhận sơ yếu lý lịch:

- Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn: Người yêu cầu có thể đến bất kỳ ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn nào (không phụ thuộc vào nơi cư trú) để chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch.

- Phòng Tư pháp cấp huyện: Tương tự như trường hợp UBND xã, việc yêu cầu xác nhận sơ yếu lý lịch không phụ thuộc vào nơi cư trú.

- Phòng công chứng (Nhà nước) hoặc các Văn phòng công chứng (tư nhân): Công chứng viên sẽ là người trực tiếp thực hiện thủ tục chứng thực chữ ký trong sơ yếu lý lịch của người yêu cầu. Việc thực hiện tại Văn phòng công chứng tư sẽ nhanh chóng hơn sơ với UBND hay phòng công chứng (Nhà nước) tuy nhiên ngoài mức phí chứng thực chữ ký thì còn phải nộp thêm giá dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng (nếu có).

Cần mang theo giấy tờ gì khi xin xác nhận sơ yếu lý lịch?

Cần mang theo giấy tờ khi xin xác nhận sơ yếu lý lịch

Theo Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì khi đi xác nhận sơ yếu lý lịch, công dân cần mang theo:

- Sơ yếu lý lịch để tiến hành khai thông tin;

- CCCD/ Hộ chiếu của mình. Công dân có thể mang theo bản chính hoặc bản sao có chứng thực để làm thủ tục yêu cầu chứng thực chữ ký trong bản Sơ yếu lý lịch.

Nộp đủ hồ sơ, cơ quan, tổ chức sẽ tiếp nhận và hướng dẫn, làm thủ tục chứng thực theo đúng quy định của pháp luật.

Cần lưu ý trường hợp không mang theo căn cước công dân hoặc có mang nhưng giấy tờ giả mạo, hết thời hạn sử dụng thì sẽ bị từ chối chứng thực.

Thủ tục xác nhận sơ yếu lý lịch năm 2023

Thủ tục xác nhận sơ yếu lý lịch năm 2023 cập nhật nhất được thực hiện theo quy định tại Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, cụ thể các bước như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp đến cơ quan có thẩm quyền

- Người yêu cầu xác nhận sơ yếu lý lịch chuẩn bị các giấy tờ đã nêu trên, nộp đến một trong các cơ quan có thẩm quyền chứng thực chữ ký: UBND xã, Phòng Tư pháp cấp huyện, Phòng Công chứng hoặc Văn phòng công chứng.

- Lưu ý hồ sơ cần phải đầy đủ, nếu không đảm bảo sẽ bị từ chối chứng thực.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

Người thực hiện chứng thực tiến hành kiểm tra giấy tờ, nếu đảm bảo theo quy định pháp luật thì hướng dẫn người yêu cầu ký tên xác nhận.

Bước 3: Chứng thực chữ ký

Tại thời điểm yêu cầu chứng thực, người yêu cầu minh mẫn, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình, tiến hành ký trước mặt người thực hiện chứng thực.

Người thực hiện xác nhận sơ yếu lý lịch tiến hành:

- Ghi lời chứng chứng thực chữ ký một cách đầy đủ, chính xác theo mẫu pháp luật quy định;

- Ký và ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực.

Lưu ý, sơ yếu lý lịch có từ (02) hai trang trở lên thì ghi lời chứng vào trang cuối,và phải đóng dấu giáp lai.

Bước 4: Nhận kết quả

Hoàn thành xong việc chứng thực, người thực hiện thủ tục sẽ trả lại sơ yếu lý lịch đã được chứng thực chữ ký.

Hướng dẫn viết sơ yếu lý lịch chính xác nhất

Hiện nay có nhiều mẫu sơ yếu lý lịch mà công dân có thể sử dụng: Mẫu in sẵn (được bán nhiều trên thị trường) hoặc tự viết tay/đánh máy, một số cơ quan/đơn vị sẽ cung cấp mẫu riêng để cá nhân có thể kê khai thông tin.

Tuy nhiên, dù sử dụng theo mẫu nào thì sơ yếu lý lịch sẽ đảm bảo có những thông tin sau đây: Thông tin cá nhân (họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, trình độ học vấn, quá trình học tập làm việc, khen thưởng và kỷ luật,..), thông tin các thành viên trong gia đình (thông tin bố, mẹ, vợ/chồng, anh chị em trong gia đình,...), tiểu sử người kê khai.

Vậy cách viết sơ yếu lý lịch như thế nào cho chính xác? Người khai thông tin sơ yếu lý lịch có thể theo dõi một số hướng dẫn sau:

- Ảnh chân dung: Dùng ảnh có kích thước 4cm x6cm nền trắng/xanh, rõ mặt, mặt nhìn thẳng, nghiêm túc, thường sẽ sử dụng ảnh chụp trong 6 tháng gần nhất.

- Thông tin cá nhân: Họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, CCCD, trình độ, ngày gia nhập Đoàn/Đảng,...

+ Họ tên: Viết in hoa tên của mình chính xác như trong thẻ căn cước, ví dụ như NGUYỄN VĂN A.

+ Giới tính: Nam/Nữ, ghi đúng như thông tin giới tính trong giấy khai sinh.

+ Dân tộc: Ghi tên dân tộc của người kê khai. Ví dụ: Kinh, Tày, Nùng,...

+ Tôn giáo: Trường hợp không theo tôn giáo thì ghi "Không", trường hợp theo tôn giáo thì bạn ghi cụ thể tôn giáo như "Phật giáo", "Công giáo",...

+ Số CCCD: Ghi đúng số, đúng ngày cấp, nơi cấp.

+ Trình độ văn hóa: Ghi cấp độ học tập của bạn ví dụ như 12/12. Trình độ chuyên môn như Cử nhân, Thạc sĩ, Kỹ sư,...

+ Quê quán, nơi đăng ký thường trú: Ghi trùng khớp với thông tin trên CCCD.

+ Khen thưởng/ Kỷ luật: Ghi những thành tích bạn đã nhận được khen thưởng hay kỷ luật trong quá trình học tập, làm việc.

+ Quá trình học, làm việc: Ghi theo trình tự thời gian. Ví dụ: 2016 - 2020: Trường Đại học Luật Hà Nội; 2021 - Tháng 9/2023: Công ty TNHH ...., Tháng 10/2023 - Ngay.

+ Các mục thông tin khác người khai sơ yếu điền chính xác, theo đúng các thông tin trên guấy tờ tùy thân.

- Thông tin các thành viên trong gia đình

+ Thành phần gia đình: Tùy thuộc vào trường hợp cụ thể, thực tế của gia đình mà có thể ghi là thuần nông, cán bộ công chức,...

+ Thông tin bố, mẹ, anh, chị, em, vợ/chồng: Ghi đầy đủ, chính xác họ tên, ngày tháng năm sinh, nghề nghiệp, nơi công tác,.. theo yêu cầu.

- Lời cam đoan các thông tin cung cấp là chính xác, đúng sự thật và chịu trách nhiệm với các thông tin.

Ngoài ra, cần lưu ý một số vấn đề khi viết sơ yếu lý lịch như sau:

- Viết rõ ràng, chính xác, hạn chế việc gạch bỏ, tẩy xóa;

- Dùng câu ngắn gọn, dễ hiểu, tránh dài dòng lan man;

- Không viết tắt, viết sai chính tả, sai ngữ pháp: Sau khi kê khai sơ yếu lý lịch xong cần đọc lại thông tin xem mình viết đã đúng hay chưa;

- Dùng đúng mẫu mà nhà tuyển dụng hay các cơ quan, đơn vị cung cấp.

- Trình bày sạch đẹp, bố cục rõ ràng, chính xác.

Trên đây là những thông tin trả lời cho câu hỏi Xác nhận sơ yếu lý lịch ở đâu? Cần mang theo những gì? mà chúng tôi cung cấp đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc về các quy định của luật lao động, vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn, hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X