hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 24/10/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Hàng hóa là gì? Hàng hóa có những thuộc tính nào?

Mỗi người chúng ta đều có thể thấy hàng hóa được trao đổi mỗi ngày và là thứ không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người. Hàng hóa tồn tại nhằm phục vụ nhu cầu của con người. Vậy cụ thể hàng hóa là gì? Có những thuộc tính nào?

Mục lục bài viết
  • 1. Hàng hóa là gì?
  • 1.1. Khái niệm hàng hóa là gì?
  • 1.2. Ví dụ về hàng hóa
  • 2. Hàng hóa có mấy thuộc tính?
  • 2.1. Giá trị của hàng hóa là gì?

1. Hàng hóa là gì?

Hàng hóa trong tiếng Anh là Goods/Commodities. Hiểu cụ thể hàng hóa là gì?

1.1. Khái niệm hàng hóa là gì?

Theo Luật giá năm 2013 thì hàng hoá là tài sản có thể:

  • Trao đổi, mua, bán trên thị trường,
  • Có khả năng thỏa mãn nhu cầu của con người, bao gồm cá các loại động sản và bất động sản.

- Theo Từ điển tiếng Việt:

Hàng hóa là 01 trong những phạm trù cơ bản của kinh tế chính trị. Hàng hóa theo nghĩa hẹp thì hàng hóa là vật chất tồn tại có hình dạng xác định, có thể trao đổi, mua bán được.

Hàng hóa theo nghĩa rộng là bao gồm tất cả những thứ có thể trao đổi, mua bán được.

Khoản 2 Điều 3 của Luật Thương mại 2005 phân hàng hoá thành 2 nhóm:

Nhóm thứ nhất là các loại động sản, cả động sản hình thành trong tương lai;

Nhóm thứ hai gồm những vật gắn liền với đất đai.

- Theo kinh tế chính trị Marx-Lenin: (nguồn trích dẫn wikipedia.org)

Trong kinh tế chính trị Mác – Lê nin, hàng hóa là sản phẩm của lao động thông qua việc trao đổi, mua bán.

Hàng hóa có thể là hữu hình (sắt thép, quyển sách) hay vô hình (sức lao động).

Theo Các - Mác thì hàng hóa là đồ vật mang hình dạng có khả năng thỏa mãn nhu cầu con người nhờ vào các tính chất vốn có của nó. Đồ vật để trở thành hàng hóa cần có:

+ Ích dụng với người dùng

+ Giá trị về mặt kinh tế

+ Sự hạn chế để đạt được nó, ý nói đến độ khan hiếm

Cũng theo quan điểm của Các – Mác hàng hóa là sản phẩm của lao động, có thể thỏa mãn một số nhu cầu nhất định của con người thông qua các hoạt động trao đổi, mua bán. Hàng hóa có thể đáp ứng nhu cầu của cá nhân hoặc nhu cầu sản xuất.

hang hoa la gi

1.2. Ví dụ về hàng hóa

Điều dễ thấy trong cuộc sống hàng ngày về sự trao đổi hàng hóa đó là khi con người đi siêu thị, đi chợ và mua những hàng hóa phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

Đó có thể là những mặt hàng rau củ, mặt hàng thịt cá…

Hay như xe máy là một hàng hóa được sử dụng phổ biến. Xe máy được sử dụng với mục đích di chuyển, đi lại tiện lợi, nhanh chóng hơn. Xe máy cũng là sản phẩm được chế tạo ra bởi trí tuệ con người. Một người chỉ có thể sở hữu cho mình chiếc xe máy thông qua quá trình trao đổi, mua bán.

Tương tự, hiện nay máy điều hòa nhiệt độ cũng là thứ không thể thiếu trong nhiều gia đình. Khi có điều hòa thì nhiệt độ không khí ở một môi trường nhất định cũng được điều chỉnh theo ý muốn như mát hơn, ấm hơn… Điều hòa cũng là sản phẩm của trí tuệ nhân loại. Muốn sở hữu điều hòa phải trao đổi, mua bán.

2. Hàng hóa có mấy thuộc tính?

Sản xuất hàng hóa tùy vào từng hình thái kinh tế – xã hội khác nhau mà bản chất khác nhau. Tuy nhiên về cơ bản, vật phẩm mang hình thái hàng hóa đều có hai thuộc tính cơ bản là giá trị và giá trị sử dụng.

2.1. Giá trị của hàng hóa là gì?

Muốn hiểu được giá trị hàng hóa trước tiên phải hiểu được giá trị trao đổi.

Theo Các – Mác, giá trị trao đổi biểu hiện ra trước hết như một quan hệ về số lượng, là tỷ lệ theo đó những giá trị sử dụng của loại này được trao đổi với những giá trị sử dụng của loại khác.

Ví dụ như 1 mét vải có thể tương đương giá trị với 01 yến thóc (10kg thóc)

Có thể thấy, hai loại hàng hóa có giá trị sử dụng khác nhau như vải và thóc có thể trao đổi được với nhau, và trao đổi theo một tỷ lệ nhất định.

Như vậy, giữa chúng sẽ có một cơ sở chung, đó đều là sản phẩm của lao động. Cụ thể, để sản xuất vải và thóc, thợ dệt và người nông dân đều phải tổn hao sức lao động. Việc “tổn hao sức lao động” chính là cơ sở chung để so sánh hai loại hàng hóa có giá trị sử dụng khác nhau để có thể trao đổi chúng với nhau.

Việc trao đổi theo một tỷ lệ nhất định là 1 mét vải = 01 yến thóc vì người ta cho rằng để sản xuất ra 1 mét vải phải tổn hao sức lao động bằng với sức lao động để sản xuất ra 01 yến thóc. Sức lao động tổn hao để sản xuất ra các loại hàng hóa chính là giá trị hàng hóa.

Có thể hiểu, giá trị là sự tổn hao sức lao động, hay nói cách khác là lao động xã hội của người sản xuất hàng hóa được kết tinh trong các loại hàng hóa.

Chất của giá trị chính là lao động, sản phẩm sẽ không có giá trị nếu không có sức lao động của người sản xuất kết tinh trong đó.

Giá trị hàng hóa có hai đặc trưng cơ bản:

Đó là biểu hiện mối quan hệ giữa những người sản xuất hàng hóa với nhau và là phạm trù lịch sử chỉ tồn tại ở kinh tế hàng hóa

2.2. Giá trị sử dụng hàng hóa là gì?

Giá trị chính là công dụng của hàng hóa. Trong kinh tế học, thuật ngữ ‘giá trị’ có ý nghĩa hoàn toàn khác.

– Giá trị sử dụng là một khái niệm trong kinh tế chính trị cổ điển và kinh tế học mácxít đề cập đến các tính năng hữu hình của một loại hàng hóa cụ thể, có thể giao dịch. Loại hàng hóa này có thể đáp ứng một số nhu cầu của con người hoặc hữu ích.

Sản phẩm nào được tạo ra cũng đều có giá trị lao động và giá trị sử dụng. Và khi hàng hóa được mua bán trên thị trường thì có giá trị trao đổi, biểu hiện dưới dạng giá cả.

Có thể hiểu giá trị sử dụng chính là sự thỏa mãn mong muốn của một loại hàng hóa. Sự hài lòng của một người khi sử dụng hàng hóa được gọi là giá trị sử dụng.

Ví dụ, nước có giá trị sử dụng rất quan trọng và không thể thiếu đối với con người. Chất lượng của nước là giá trị sử dụng của nước.

Ngoài ra hàng hóa khi mua bán trên thị trường còn có giá trị trao đổi, hiểu chính xác giá trị trao đổi chính là giá của một hàng hóa cụ thể có thể được bán và mua trên thị trường.

Giá trị trao đổi phụ thuộc vào yếu tố thời gian và địa điểm.

Về giá trị sử dụng, hàng hóa có các đặc điểm:

  • Thuộc tính tự nhiên của hàng hóa sẽ quyết định giá trị sử dụng
  • Hàng hóa có nhiều thuộc tính, sử dụng ở nhiều mục đích khác nhau chứ không nhất thiết chỉ có một giá trị sử dụng duy nhất, nhất là trong thời đại khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển.
  • Giá trị sử dụng không dành cho người sản xuất hàng hóa mà cho người tiêu dùng hàng hóa.
  • Giá trị sử dụng là phạm trù vĩnh viễn vì nó tồn tại trong mọi kiểu tổ chức sản xuất.

3. Mối quan hệ giữa các thuộc tính của hàng hóa là gì?

hang hoa la gi

3.1. Thống nhất

Hai thuộc tính giá trị và giá trị sử dụng này cùng lúc tồn tại đồng thời trong một hàng hóa.

Nếu một sản phẩm hay một vật có giá trị sử dụng, thỏa mãn nhu cầu của con người, xã hội nhưng không có giá trị, có nghĩa là không do lao động tạo ra, không có kết tinh lao động thì sẽ không phải là hàng hóa. Ví dụ như không khí.

Ngược lại, nếu một vật có giá trị, có lao động kết tinh nhưng không có giá trị sử dụng, không thể thỏa mãn nhu cầu nào của con người, xã hội thì cũng không thể gọi là hàng hóa.

3.2. Đối lập

Nếu, các hàng hóa với tư cách là giá trị sử dụng thì sẽ khác nhau về chất (vải, sắt thép,…). Nhưng với tư cách là giá trị thì các hàng hóa lại đồng nhất về chất, có nghĩa đều được kết tinh từ lao động.

Quá trình thực hiện giá trị và giá trị sử dụng của hàng hóa có sự tách rời nhau về mặt không gian lẫn thời gian.

Giá trị được thực hiện trước, trong lĩnh vực lưu thông.

Giá trị sử dụng thực hiện sau, trong lĩnh vực tiêu dùng.

Người sản xuất quan tâm tới giá trị và để đạt được mục đích giá trị, họ phải chú ý đến giá trị sử dụng. Còn người tiêu dùng quan tâm tới giá trị sử dụng nhằm thỏa mãn được nhu cầu tiêu dùng của bản thân.

Người tiêu dùng muốn có giá trị sử dụng hàng hóa, phải trả giá trị cho người sản xuất ra hàng hóa.

Nếu không thực hiện trả giá trị hàng hóa sẽ không có giá trị sử dụng.

4. Sản xuất hàng hóa là gì?

Nội dung trên đã cho chúng ta hiểu hàng hóa là gì, đó chính là sản phẩm của lao động có thể thỏa mãn nhu cầu nhất định của con người và thông qua việc trao đổi, mua bán đi vào tiêu dùng.

Quá trình phát triển sản xuất xã hội đã và đang trải qua 02 kiểu tổ chức kinh tế, đó là:

  • Sản xuất tự cung tự cấp: sản phẩm do lao động tạo ra nhằm thỏa mãn trực tiếp nhu cầu của người sản xuất.
  • Sản xuất hàng hóa: là sản xuất ra sản phẩm để bán

Sản xuất hàng hóa có thể hiểu chính là kiểu tổ chức sản xuất mà sản phẩm làm ra không nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của chính người trực tiếp sản xuất ra nó mà nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người khác thông qua trao đổi, mua bán.

hang hoa la gi

Hàng hóa tồn tại dưới dạng vật thể, cũng có thể phi vật thể. Một vật hay một muốn trở thành hàng hoá phải là sản phẩm của lao động; có thể thỏa mãn một nhu cầu nào đó của con người; thông qua trao đổi, mua bán mà có được/sở hữu.

Hàng hóa được phân thành nhiều loại như: Hàng hóa đặc biệt; hàng hóa thông thường; hàng hóa thứ cấp; hàng hóa hữu hình; hàng hóa vô hình; hàng hóa công cộng; hàng hóa tư nhân …

Sản xuất hàng hóa ra đời và tồn tại dựa trên hai điều kiện:

Thứ nhất là phân công lao động xã hội, có nghĩa là chuyên môn hóa sản xuất, phân chia lao động xã hội thành các lĩnh vực, ngành sản xuất khác nhau.

Phân công lao động xã hội chính là nền tảng, là tiền đề của sản xuất hàng hóa. Nếu phân công lao động xã hội phát triển, việc sản xuất, trao đổi hàng hóa càng được mở rộng hơn.

Việc trao đổi sản phẩm là hệ quả tất yếu từ sự phân công lao động xã hội nên.

Khi có phân công lao động xã hội, mỗi người chỉ sản xuất 01 hoặc vài sản phẩm nhất định, nhưng nhu cầu của cuộc sống ngày càng đòi hỏi nhiều loại sản phẩm khác nhau, vì vậy, những người sản xuất cần đến sản phẩm của nhau, dẫn đến việc họ phải trao đổi với nhau.

Phân công lao động xã hội cùng với chuyên môn hóa sản xuất làm tăng năng suất lao động, sản phẩm thặng dư ngày càng nhiều, thúc đẩy việc trao đổi sản phẩm.

Điều kiện thứ hai, chính là sự tách biệt kinh tế giữa những người sản xuất. Điều này có nghĩa, những người sản xuất trở thành những chủ thể độc lập với nhau nhất định.

Các sản phẩm làm ra thuộc quyền sở hữu của các chủ thể kinh tế, nếu người này muốn tiêu dùng sản phẩm lao động của người kia buộnphải thông qua trao đổi, mua bán hàng hoá.

Sự tách biệt này trong lịch sử là do chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất quy định.

Trong chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của mỗi cá nhân và sản phẩm làm ra đều thuộc quyền sở hữu của họ. Như vậy, sản xuất hàng hoá đã ra đời trong chế độ chiếm hữu nô lệ.

Từ 02 điều kiện nêu trên, có thể thấy:

- Phân công lao động xã hội làm cho những người sản xuất phụ thuộc vào nhau

- Sự tách biệt tương đối về mặt kinh tế giữa những người sản xuất lại chia rẽ, làm cho những người sản xuất độc lập với nhau.

Đây được xem là 01 mâu thuẫn cũng là điều kiện cần và điều kiện đủ trong sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên mâu thuẫn sẽ được giải quyết thông qua trao đổi, mua bán hàng hóa lẫn nhau.

Trên đây là thông tin giải đáp cho hàng hóa là gì? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X