hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 14/07/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Án lệ là gì? 4 tiêu chí lựa chọn án lệ là gì?

Án lệ là gì? Để được lựa chọn là án lệ thì bản án phải đáp ứng những điều kiện gì? Án lệ được áp dụng trong trường hợp nào? Đây là những câu hỏi rất quan trọng khi nghiên cứu, tìm hiểu về án lệ. Bài viết sau đây của HieuLuat sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.

 
Mục lục bài viết
  • Án lệ là gì?
  • Tiêu chí để lựa chọn án lệ là gì?
  • 4 nguyên tắc áp dụng án lệ là gì?
  • Ai có quyền đề xuất án lệ?

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi đang nghiên cứu về án lệ và có một số câu hỏi mong được Luật sư giải đáp, hỗ trợ như sau: Hiểu như thế nào là án lệ? Và để được là án lệ thì những bản án phải đáp ứng điều kiện cụ thể nào?

Những ai có thể được quyền đề xuất án lệ? Án lệ có phải là một trong những căn cứ pháp lý được ưu tiên áp dụng khi giải quyết tranh chấp hay không?

Chào bạn, liên quan đến vấn đề án lệ là gì và một số nội dung xoay quanh án lệ mà bạn đang quan tâm, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Án lệ là gì?

Trước hết, án lệ được định nghĩa tại Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP, đây là Nghị quyết riêng của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

Cụ thể, Điều 1 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP định nghĩa như sau:

Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.

Theo đó, án lệ có một số những đặc điểm riêng biệt, gồm:

- Nguồn gốc của Án lệ là từ Tòa án (một trong số những cơ quan thuộc ngành tư pháp ở nước ta);

- Nội dung của án lệ có được là từ những lập luận, phán quyết trong Bản án/Quyết định đã có hiệu lực của Tòa án, điều này có nghĩa là những Bản án/Quyết định của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật không thể là nguồn xây dựng án lệ;

- Án lệ được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn, quyết định áp dụng và được công bố bởi Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao;

- Phạm vi áp dụng của án lệ: Áp dụng trong quá trình xét xử tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.

Vậy nên, án lệ được định nghĩa và có một số đặc điểm khác biệt như chúng tôi đã nêu trên.

an le la gi


Tiêu chí để lựa chọn án lệ là gì?

Như chúng tôi đã phân tích, không phải mọi Bản án/Quyết định của Tòa án nhân dân đều có thể trở thành án lệ, chỉ những Bản án/Quyết định có hiệu lực của Tòa án đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 2 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP mới có thể được lựa chọn trở thành án lệ.

Cụ thể, để trở thành án lệ thì Bản án/Quyết định của Tòa án phải đáp ứng đồng thời 4 tiêu chí sau đây:

Một là, là Bản án/Quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

Hai là, các Bản án/Quyết định của Tòa án đã có hiệu lực phải có giá trị làm rõ những nội dung sau đây:

+ Làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau, đồng thời, phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý: Thực tiễn khi xét xử tranh chấp cho thấy, pháp luật Việt Nam còn có rất nhiều quy định chồng chéo hoặc quy định không rõ ràng, hoặc đối lập, hoặc có sự khác biệt về cùng một vấn đề phát sinh trên thực tế.

Điều này đòi hỏi cơ quan giải quyết tranh chấp là Tòa án cần phải có phân tích, đánh giá, giải thích, lựa chọn phù hợp, đúng, chuẩn xác để đảm bảo tính khách quan, công bằng, đúng pháp luật.

+ Chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể: Có thể nói, giá trị của án lệ thể hiện rất rõ trong những vụ việc mà những quy định pháp luật chưa điều chỉnh được hoặc chưa có quy định pháp luật điều chỉnh về vấn đề tranh chấp đó.

Sau khi đã phân tích, giải thích, lựa chọn cách hiểu đúng đắn nhất thì Tòa án có trách nhiệm đưa ra nguyên tắc, đường lối, cách thức xử lý phù hợp với những tình huống, vấn đề phát sinh cụ thể, từ đó, có căn cứ để các vụ việc, tình huống phát sinh sau này có thể áp dụng được.

=> Nói cách khác, để trở thành án lệ thì Bản án/Quyết định của Tòa án phải chứa đựng những nội dung pháp lý cụ thể và phải có phương án xử lý, đường lối giải quyết cụ thể, chính xác nhất.

Ba là, có tính chuẩn mực;

Tính chuẩn mực trong lựa chọn các Bản án/Quyết định đã có hiệu lực của Tòa án là án lệ có thể được hiểu rằng:

+ Chuẩn mực trong lựa chọn vụ việc tranh chấp (vụ việc có thật trên thực tế, trong đó có những vấn đề mà pháp luật không có quy định hoặc quy định không rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau). Những vụ việc được lựa chọn là những vụ việc điển hình nhưng thông dụng, diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp độ xét xử khác nhau;

+ Chuẩn mực trong khi phân tích, đánh giá, giải thích, lập luận về nội dung vụ việc được giải quyết tại Tòa án là thấu đáo, toàn diện;

+ Chuẩn mực trong việc lựa chọn, đưa ra phương án xử lý, đường lối giải quyết vụ việc đó căn cứ theo những lập luận có được từ việc phân tích thấu đáo, toàn diện vụ việc và từ những quy phạm pháp luật hiện hành;

Bốn là, để trở thành án lệ thì Bản án/Quyết định có hiệu lực của Tòa án phải có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử

Đây là tiêu chí rất quan trọng, bởi nó chứa đựng phạm vi áp dụng của án lệ trong thực tiễn xét xử. Án lệ được sử dụng nếu nó có thể được áp dụng trong phạm vi cả nước.

Như vậy, để trở thành án lệ thì các Bản án/Quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải đáp ứng đồng thời 04 tiêu chí mà chúng tôi đã nêu trên.

4 nguyên tắc áp dụng án lệ là gì?

Như đã phân tích, án lệ là gì và án lệ được áp dụng trong những trường hợp nào là hai yếu tố rất quan trọng để hiểu rõ về án lệ. Theo đó, những nguyên tắc và việc áp dụng án lệ được quy định tại Điều 8 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP, Điều 6 Bộ luật Dân sự 2015. Cụ thể như sau:

Một là, án lệ được áp dụng trong xét xử sau 30 ngày, kể từ ngày được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành quyết định công bố án lệ;

Hai là, trong khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, phân tích, áp dụng án lệ và phải đảm bảo những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Nếu Tòa án không áp dụng án lệ cho những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhau thì phải nêu rõ lý do trong Bản án/Quyết định của Tòa án.

Ba là, Tòa án phải trích dẫn/viện dẫn, phân tích toàn bộ hoặc một phần nội dung của án lệ (như số, tên án lệ, tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ và tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết) nếu Tòa án áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc trong phần “Nhận định của Tòa án”.

Việc viện dẫn toàn bộ hoặc một phần án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong khi giải quyết các vụ việc tương tự tùy thuộc vào tùy từng trường hợp cụ thể.

Bốn là, án lệ được áp dụng nếu như các bên không có thỏa thuận, không có quy định của pháp luật, không có tập quán/tương tự pháp luật được áp dụng để điều chỉnh quan hệ giữa các bên (quan hệ mua bán, quan hệ hôn nhân…).

=> Vậy nên, án lệ không phải là căn cứ được ưu tiên áp dụng trong quá trình xem xét, giải quyết vụ việc.

Kết luận: Việc áp dụng án lệ trong thực tiễn xét xử cần tuân thủ những nguyên tắc mà chúng tôi nêu trên.

Ai có quyền đề xuất án lệ?

Án lệ được hình thành từ nguồn là những Bản án/Quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Để đảm bảo tính khách quan, công bằng và để có thể áp dụng rộng rãi án lệ trong thực tiễn xét xử tại Tòa án thì tại Điều 3 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP quy định đối tượng được đề xuất án lệ như sau:

Một là, đối tượng được đề xuất án lệ là các cá nhân, cơ quan, tổ chức

Những đối tượng này theo mong muốn, nguyện vọng của mình gửi đề xuất tới Tòa án nhân dân tối cao để các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án trở thành án lệ. Hiện nay, việc gửi đề xuất hoặc đánh giá, đóng góp ý kiến để bản án/quyết định của Tòa án trở thành án lệ có thể được thực hiện thông qua trang web/trang thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao.

Cần lưu ý, các bản án/quyết định này phải có lập luận, phán quyết của Tòa án và phải đáp ứng các tiêu chí để trở thành án lệ như chúng tôi đã nêu trên để làm cơ sở cho Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định, phát triển thành án lệ.

Hai là, án lệ cũng được đề xuất bởi các Tòa án

Theo thẩm quyền, trách nhiệm của mình tiến hành rà soát để phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án mình chứa đựng lập luận, phân tích, phán quyết, đường lối giải quyết đáp ứng các tiêu chí trở thành án lệ, đồng thời, gửi cho Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, quyết định trở thành án lệ.

Như vậy, án lệ có thể được đề xuất bởi các cá nhân, tổ chức hoặc chính các Tòa án đã thực hiện xét xử để Tòa án nhân dân tối cao có căn cứ xem xét, quyết định.

Trên đây là giải đáp về án lệ là gì? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

>> 8 án lệ mới được áp dụng từ 15/04/2020

>> Án lệ được áp dụng sau 30 ngày công bố, có đúng không?

Có thể bạn quan tâm

X