hieuluat
Chia sẻ email

Bảo hiểm nhân thọ là gì? Có những loại hình nào?

Hiện nay, bảo hiểm nhân thọ đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên với những người lần đầu tìm hiểu thường thắc mắc bảo hiểm nhân thọ là gì?

Mục lục bài viết
  • Bảo hiểm nhân thọ là gì? Hiểu sao cho đúng?
  • Các loại hình bảo hiểm nhân thọ
  • Đóng phí bảo hiểm nhân thọ thế nào?
  • Lưu ý gì khi tham gia bảo hiểm nhân thọ?

Bảo hiểm nhân thọ là gì? Hiểu sao cho đúng?

Về bảo hiểm nhân thọ

Theo khoản 12 Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, bảo hiểm nhân thọ được giải thích như sau:

12. Bảo hiểm nhân thọ là loại nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết.

Từ quy định trên, có thể hiểu bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm của các công ty bảo hiểm để bảo vệ con người trước những rủi ro liên quan đến tính mạng, thân thể, sức khỏe… Người tham gia bảo hiểm nhân thọ ký hợp đồng với công ty bảo hiểm và thực hiện đóng những khoản phí vào quỹ dự trữ do công ty bảo hiểm quản lý.

Về đối tượng của hợp đồng bảo hiểm

Bên mua bảo hiểm chỉ có thể mua bảo hiểm cho những người sau đây:

- Bản thân bên mua bảo hiểm.

- Vợ, chồng, con, cha, mẹ của bên mua bảo hiểm.

- Anh, chị, em ruột; người có quan hệ nuôi dưỡng và cấp dưỡng.

- Người khác, nếu bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm.

 
không phải ai cũng hiểu rõ bảo hiểm nhân thọ là gìKhông phải ai cũng hiểu rõ bảo hiểm nhân thọ là gì?

Các loại hình bảo hiểm nhân thọ

Căn cứ Điều 1 Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi 2010, các loại bảo hiểm nhân thọ gồm có:

- Bảo hiểm trọn đời là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm chết vào bất kỳ thời điểm nào trong suốt cuộc đời của người đó.

- Bảo hiểm sinh kỳ là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống đến một thời hạn nhất định, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng, nếu người được bảo hiểm vẫn sống đến thời hạn được thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

- Bảo hiểm tử kỳ là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm chết trong một thời hạn nhất định, theo đó doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng, nếu người được bảo hiểm chết trong thời hạn được thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

- Bảo hiểm hỗn hợp là nghiệp vụ bảo hiểm kết hợp bảo hiểm sinh kỳ và bảo hiểm tử kỳ.

- Bảo hiểm trả tiền định kỳ là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống đến một thời hạn nhất định; sau thời hạn đó doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm định kỳ cho người thụ hưởng theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

- Bảo hiểm liên kết đầu tư.

- Bảo hiểm hưu trí là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm đạt đến độ tuổi xác định được doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.


Đóng phí bảo hiểm nhân thọ thế nào?

Về đóng phí bảo hiểm nhân thọ được quy định tại Điều 35 Luật Kinh doanh bảo hiểm, cụ thể như sau:

- Bên mua bảo hiểm có thể đóng phí bảo hiểm một lần hoặc nhiều lần theo thời hạn, phương thức thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

- Trong trường hợp phí bảo hiểm được đóng nhiều lần và bên mua bảo hiểm đã đóng một hoặc một số lần phí bảo hiểm nhưng không thể đóng được các khoản phí bảo hiểm tiếp theo thì sau thời hạn 60 ngày, kể từ ngày gia hạn đóng phí, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng.

Bên mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng nếu thời gian đã đóng phí bảo hiểm dưới 02 năm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

- Trong trường hợp bên mua bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm từ 02 năm trở lên mà doanh nghiệp bảo hiểm đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng theo quy định trên thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

- Các bên có thể thỏa thuận khôi phục hiệu lực hợp đồng bảo hiểm đã bị đơn phương đình chỉ trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày bị đình chỉ và bên mua bảo hiểm đã đóng số phí bảo hiểm còn thiếu.

Lưu ý gì khi tham gia bảo hiểm nhân thọ?

Để tham gia bảo hiểm nhân thọ một cách hiệu quả, an toàn cần lưu ý một số nội dung sau đây:

Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ:

Theo Điều 31 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000, đối tượng của hợp đồng là tuổi thọ, tính mạng, sức khỏe và tai nạn con người.

Người mua bảo hiểm chỉ mua cho những người dưới đây:

- Bản thân bên mua bảo hiểm;

- Cha, mẹ, vợ, chồng, con của bên mua bảo hiểm;

- Người có quan hệ cấp dưỡng và nuôi dưỡng;anh, chị, em ruột;

- Người khác, nếu bên mua bảo hiểm có quyền lợi có thể được bảo hiểm.

Phí bảo hiểm nhân thọ

- Bên mua bảo hiểm có thể đóng phí bảo hiểm theo thời hạn, phương thức được thỏa thuận trong hợp đồng, có thể là một lần hoặc nhiều lần;

Trong trường hợp các bên lựa chọn phương thức đóng phí bảo hiểm nhiều lần và bên mua bảo hiểm đã đóng một hoặc một số lần phí bảo hiểm nhưng không thể tiếp tục đóng các khoản phí bảo hiểm tiếp theo trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày gia hạn đóng phí thì sẽ xử lý như sau:

+ Trường hợp các bên có thỏa thuận: Thực hiện theo thỏa thuận của các bên ghi nhận trong hợp đồng bảo hiểm.

+ Trường hợp các bên không có thỏa thuận khác:

Đối với trường hợp thời gian đóng phí bảo hiểm dưới 2 năm thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng, bên mua bảo hiểm không có quyền đòi lại khoản phí bảo hiểm đã đóng.

Đối với trường hợp bên mua đã đóng phí bảo hiểm từ 02 năm trở lên mà doanh nghiệp bảo hiểm đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng thì phải trả giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm.

- Trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày bị đình chỉ và bên mua bảo hiểm đã đóng số phí bảo hiểm còn thiếu thì các bên có thể thỏa thuận khôi phục lại hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm đã bị đơn phương đình chỉ thực hiện.

- Trong bảo hiểm con người, doanh nghiệp bảo hiểm không được khởi kiện đòi bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm nếu bên mua bảo hiểm không đóng hoặc đóng không đủ phí bảo hiểm.

Các trường hợp không trả tiền bảo hiểm

Tiền bảo hiểm sẽ không được doanh nghiệp bảo hiểm chi trả trong các trường hợp người được bảo hiểm:

- Chết do tự tử trong thời hạn 02 năm từ ngày hợp đồng bảo hiểm tiếp tục có hiệu lực hoặc từ ngày nộp khoản phí bảo hiểm đầu tiên;

- Chết hoặc bị thương tật vĩnh viễn do lỗi cố ý của người hưởng thụ hoặc của bên mua bảo hiểm;

- Chết do bị thi hành án tử hình.

- Bị một hoặc một số người thụ hưởng cố ý gây ra cái chết hay thương tật vĩnh viễn, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải trả tiền bảo hiểm cho những người thụ hưởng khác theo thoả thuận.

Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho bên mua bảo hiểm toàn bộ số phí bảo hiểm đã đóng hoặc giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm sau khi đã trừ các khoản chi phí hợp lý có liên quan.

Trường hợp bên mua bảo hiểm chết thì số tiền trả lại được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Trên đây là thông tin về bảo hiểm nhân thọ là gì?. Nếu còn thắc mắc khác, độc giả có thể liên hệ với chúng tôi qua hotline  19006192 để được hỗ trợ.

Tin cùng chủ đề

Thông báo văn bản mới

X