Tham gia bảo hiểm xã hội vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ của mọi người lao động. Bài viết dưới đây sẽ giải thích khái niệm “Bảo hiểm xã hội là gì”, các hình thức tham gia bảo hiểm xã hội cùng các chế độ bảo hiểm xã hội cơ bản.
Bảo hiểm xã hội là gì?
Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội (theo khoản 1 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
Các hình thức tham gia bảo hiểm xã hội
Hiện nay, có hai hình thức tham gia bảo hiểm xã hội, gồm:
- Bảo hiểm xã hội bắt buộc;
- Bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Trong đó:
- Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia (theo khoản 2 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có: Người làm việc theo hợp đồng lao động; Cán bộ, công chức, viên chức; Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu…
- Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất (theo khoản 3 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).
Bảo hiểm xã hội là gì? Các chế độ của bảo hiểm xã hội (Ảnh minh họa)
Các chế độ của bảo hiểm xã hội
Tương ứng với mỗi hình thức tham gia bảo hiểm xã hội, sẽ được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội khác nhau. Cụ thể như sau:
- Bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm các chế độ:
+ Chế độ ốm đau
+ Chế độ thai sản
+ Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
+ Chế độ hưu trí
+ Chế độ tử tuất.
- Bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ có 02 chế độ:
+ Chế độ hưu trí
+ Chế độ tử tuất.
Một số nguyên tắc của bảo hiểm xã hội
Dù là bảo hiểm xã hội bắt buộc hay bảo hiểm xã hội tự nguyện, thì đều đảm bảo các nguyên tắc được quy định tại Điều 5 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Các nguyên tắc này gồm có:
- Đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít
Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội.
- Mức đóng dựa trên thu nhập
Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động.
Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính trên cơ sở mức thu nhập tháng do người lao động lựa chọn.
- Trường hợp vừa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện:
Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
- Về Quỹ bảo hiểm xã hội
Quỹ được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch; được sử dụng đúng mục đích và được hạch toán độc lập theo các quỹ thành phần, các nhóm đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định và chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.
- Việc thực hiện bảo hiểm xã hội
Phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội.
Trên đây là các quy định liên quan đến khái niệm “Bảo hiểm xã hội là gì”. Điều kiện hưởng, mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội cơ bản đều sẽ được đề cập tại hieuluat.vn.