Thuật ngữ cán bộ được sử dụng phổ biến nhưng cán bộ là gì thì đa phần mọi người đều không rõ. Do đó, từ cán bộ được dùng tương đối thoải mái thậm chí là tùy tiện và gắn liền với cụm từ cán bộ, công chức, viên chức.
Cán bộ là gì?
Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước (theo khoản 1 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008).
Trước đây, thuật ngữ cán bộ được sử dụng trong phạm vi rất rộng rãi, không hạn chế và không theo một quy tắc, quy định nào.
Cán bộ không chỉ để gọi những người làm việc trong các cơ quan của Đảng, của Nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội mà còn được sử dụng cả trong các hoạt động sự nghiệp như cán bộ y tế; cán bộ tòa án; cán bộ lớp; cán bộ coi thi; cán bộ tổ dân phố…
Hiện nay, căn cứ theo quy định nêu trên, việc xác định cán bộ gắn với cơ chế bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ.
Những người đủ các tiêu chí chung của cán bộ được tuyển vào làm việc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị- xã hội thông qua con đường bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ chức danh theo nhiệm kỳ thì được xác định là cán bộ.
Trên thực tế, cán bộ luôn gắn liền với chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ; hoạt động của họ gắn với quyền lực chính trị được nhân dân hoặc các thành viên trao cho và chịu trách nhiệm chính trị trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Việc quản lý cán bộ phải thực hiện do các văn bản pháp luật tương ứng chuyên ngành điều chỉnh hoặc Điều lệ.
Theo đó, những ai là cán bộ trong cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị xã hội sẽ được các cơ quan có thẩm quyền của Đảng căn cứ Điều lệ của Đảng, của tổ chức chính trị- xã hội quy định cụ thể.
Những ai là cán bộ trong cơ quan nhà nước sẽ được xác định theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Toà án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Kiểm toán Nhà nước và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Ví dụ về cán bộ:
- Thủ tướng Chính phủ
- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Bí thư Đảng ủy
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
- Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh…
Cán bộ là gì? Cán bộ là chức danh hay chức vụ (Ảnh minh họa)
Cán bộ là chức danh hay chức vụ?
Ngay trong định nghĩa cán bộ, Luật Cán bộ, công chức cũng có nhắc tới chức vụ, chức danh. Cụ thể, cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ…
Tuy nhiên, đối chiếu với quy định tại Điều 3 Nghị định 92/2009/NĐ-CP, cán bộ cấp xã có các chức vụ sau:
- Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy;
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân;
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân;
- Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
- Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (áp dụng đối với xã, phường, thị trấn có hoạt động nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và có tổ chức Hội Nông dân Việt Nam);
- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Còn công chức cấp xã có các chức danh sau đây:
- Trưởng Công an;
- Chỉ huy trưởng Quân sự;
- Văn phòng - thống kê;
- Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã);
- Tài chính - kế toán;
- Tư pháp - hộ tịch;
- Văn hóa - xã hội.
Theo đó, cán bộ lãnh đạo, quản lý và được bầu cử, phê chuẩn thì là chức vụ. Còn công chức được tuyển dụng thông thường thì được gọi là chức danh.
Xem thêm: