Kể từ ngày 01/7/2024 thì Luật Các tổ chức tín dụng 2024 chính thức có hiệu lực. Theo quy định mới này thì Cấp tín dụng là gì? Cấp tín dụng và cho vay khác nhau thế nào? Ai bị hạn chế, không được cấp tín dụng?
Cấp tín dụng là gì?
Khoản 4 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 định nghĩa “Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng, thư tín dụng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác.”
Như vậy, căn cứ vào quy định trên, có thể hiểu định nghĩa cấp tín dụng qua các đặc điểm sau:
Thứ nhất, về chủ thể, cấp tín dụng là việc thoả thuận giữa bên cấp tín dụng là tổ chức tín dụng (gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân), chi nhánh ngân hàng nước ngoài và một bên là các tổ chức, cá nhân có nhu cầu được cấp tín dụng.
Thứ hai, việc thoả thuận là tự nguyện, không bị ép buộc.
Thứ ba, nội dung thoả thuận là bên cấp tín dụng cho phép bên nhận cấp tín dụng sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả.
Thứ tư, các hình thức cấp tín dụng bao gồm cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng, thư tín dụng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác.
Cấp tín dụng và cho vay khác nhau thế nào?
Cho vay được định nghĩa tại khoản 7 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 là hình thức cấp tín dụng thông qua việc bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định, trong một thời gian nhất định, theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi theo thỏa thuận cho bên cho vay.
Như vậy, căn cứ theo khái niệm “cấp tín dụng” và “cho vay” có thể thấy rằng “cho vay” chỉ là một trong những hình thức cấp tín dụng, cho vay là tập hợp con của cấp tín dụng. Hoạt động cấp tín dụng có phạm vi rộng hơn, ngoài cho vay, thì tổ chức tín dụng còn nhiều cách thức khác để cung cấp tiền cho người có nhu cầu bao gồm chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng, thư tín dụng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác.
Tuy nhiên, cho vay thường là hoạt động chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các ngân hàng nên khi nhắc đến cấp tín dụng, người dân thường nhầm lẫn là hoạt động cho vay. Vì vậy, quý bạn đọc cần lưu ý phân biệt rõ bản chất của hai nghiệp vụ này của các tổ chức tín dụng.
Phương thức cấp tín dụng hiện hành ra sao?
Các phương thức cấp tín dụng được giai thích cụ thể tại Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 như sau:
- Cho vay là hình thức cấp tín dụng thông qua việc bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định, trong một thời gian nhất định, theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi theo thỏa thuận cho bên cho vay.
- Chiết khấu là hình thức cấp tín dụng thông qua việc mua có kỳ hạn hoặc mua có bảo lưu quyền truy đòi các công cụ chuyển nhượng, giấy tờ có giá khác của bên thụ hưởng trước khi đến hạn thanh toán.
- Hoạt động cho thuê tài chính là việc cấp tín dụng trung hạn, dài hạn trên cơ sở hợp đồng cho thuê tài chính và phải đáp ứng một số điều kiện theo luật định.
- Bao thanh toán là hình thức cấp tín dụng thông qua việc mua lại khoản phải thu của bên bán hoặc ứng trước tiền thanh toán thay cho bên mua theo hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa bên mua và bên bán.
- Bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng cho khách hàng thông qua việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cam kết với bên nhận bảo lãnh về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho bên có nghĩa vụ khi bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết; khách hàng phải nhận nợ bắt buộc và hoàn trả cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo thỏa thuận.
- Thư tín dụng là hình thức cấp tín dụng thông qua nghiệp vụ phát hành, xác nhận, thương lượng thanh toán, hoàn trả thư tín dụng.
- Ngoài ra, còn có các hình thức cấp tín dụng khác
Ai không được cấp tín dụng? Ai bị hạn chế cấp tín dụng?
Tổ chức tín dụng cần xác định và hạn chế những yếu tố rủi ro nhằm đảm bảo sự an toàn trong hoạt động cấp tín dụng để đảm bảo khả năng hoàn trả tiền cho những chủ thể gửi tiền. Vì vậy, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có quy định những đối tượng không được cấp và hạn chế cấp tín dụng để từ đó hạn chế, giảm thiểu ro trong hoạt động kinh doanh tiền tệ.
Ai không được cấp tín dụng? Ai bị hạn chế cấp tín dụng?
Thứ nhất, không cấp tín dụng/đảm bảo cho các tổ chức, cá nhân có mối quan hệ mật thiết với tổ chức tín dụng sau đây:
(i) Đối với tổ chức tín dụng:
- Cá nhân là thành viên Hội đồng quản trị / Hội đồng thành viên / Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ và vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em của các đối tượng này.
- Pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên Hội đồng quản trị / Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần; pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn.
(ii) Đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài: Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em của các đối tượng này.
Lưu ý: những trường hợp trên không áp dụng đối với quỹ tín dụng nhân dân và trường hợp cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng cho cá nhân.
Thứ hai, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán là công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng đó.
Thứ ba, không được cấp tín dụng trên cơ sở nhận bảo đảm bằng cổ phiếu của tổ chức tín dụng hoặc công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng đó.
Thứ tư, không được cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, tại Điều 135 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có quy định đối với những trường hợp bị hạn chế cấp tín dụng. Vì những chủ thể này có ảnh hưởng tới tổ chức tín dụng nhưng không lớn bằng đối tượng bị cấm cấp tín dụng tại Điều 134 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 nên vẫn được cấp tín dụng nhưng không được cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán; người ra quyết định thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, người giám sát hoạt động đoàn thanh tra đang thanh tra tại chính tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
Thứ hai, kế toán trưởng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng quản trị, Trưởng ban, thành viên khác của Ban kiểm soát, Giám đốc, Phó giám đốc của quỹ tín dụng nhân dân;
Thứ ba, cổ đông lớn, cổ đông sáng lập của tổ chức tín dụng;
Thứ tư, doanh nghiệp có một trong những đối tượng quy định tại Điều 134 nêu trên sở hữu trên 10% vốn điều lệ;
Thứ năm, người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó (trừ trường hợp cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng cho cá nhân);
Thứ sáu, công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng (trừ trường hợp cấp tín dụng cho công ty con là tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc).
Trên đây là nội dung giải đáp cụ thể cho thắc mắc Cấp tín dụng là gì? Ai bị hạn chế, không được cấp tín dụng?Gọi ngay cho các chuyên viên pháp lý của chúng tôi theo số 19006192 để được giải đáp, hỗ trợ nếu có vướng mắc về các quy định của pháp luật