Sau bài viết chiếm hữu ngay tình là gì, rất nhiều người thắc mắc về hình thức chiếm hữu còn lại là không ngay tình. Vậy theo Bộ luật Dân sự 2015, chiếm hữu không ngay tình là gì?
Định nghĩa chiếm hữu không ngay tình
Chiếm hữu là việc chủ thế nắm giữ, chi phối một hoặc một số tài sản (vật, tiền, giấy tờ có giá…) một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như thể người này là chủ thể có quyền với tài sản đó (căn cứ theo khoản 1 Điều 179 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Chiếm hữu bao gồm chiếm hữu của chủ sở hữu và chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu. Trong đó, việc chiếm hữu của người không phải chủ sở hữu lại chia thành chiếm hữu ngay tình và không ngay tình.
- Chiếm hữu ngay tình: Là việc chiếm hữu mà người này có căn cứ để tin rằng bản thân có quyền với tài sản đang chếm hữu (căn cứ Điều 180 Bộ luật Dân sự năm 2015).
- Chiếm hữu không ngay tình: Là việc chiếm hữu mà người này biết hoặc phải biết rằng bản thân không hề có quyền chiếm hữu với tài sản đang chiếm hữu nhưng vẫn chiếm hữu (căn cứ Điều 181 Bộ luật Dân sự).
Có thể thấy, so với quy định trước đây tại Bộ luật Dân sự năm 2005 hiện đã hết hiệu lực thì Bộ luật Dân sự hiện hành năm 2015 đã bổ sung khái niệm, định nghĩa về chiếm hữu không ngay tình.
Để hiểu rõ hơn định nghĩa chiếm hữu không ngay tình nêu tại Điều 181 Bộ luật Dân sự năm 2015, chúng ta có thể theo dõi ví dụ dưới đây:
Anh A trộm của chị B chiếc xe đạp và đến cửa hàng của anh C bán chiếc xe ăn trộm này. Trước đó, anh C biết anh A không hề có chiếc xe đạp nào cũng không bán hộ xe đạp cho bất cứ ai. Trong trường hợp này, anh C mặc dù biết anh A không phải chủ sở hữu của chiếc xe đạp nhưng vẫn mua. Do đó, anh C biết bản thân không thể chiếm hữu chiếc xe đạp nhưng vì ham rẻ nên anh C vẫn mua và chiếm hữu chiếc xe đạp do anh A trộm cắp được.
Như vậy, về bản chất, để xác định việc chiếm hữu nào là không ngay tình thì phải căn cứ vào việc người chiếm hữu có căn cứ/có biết/phải biết về việc bản thân không có quyền với tài sản đang chiếm hữu. Đây cũng là đặc điểm dễ nhận ra nhất để phân biệt chiếm hữu ngay tình và chiếm hữu không ngay tình theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Chiếm hữu không ngay tình là gì? (Ảnh minh họa)
Có phải trả lại tài sản do chiếm hữu không ngay tình không?
Quy định về nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật được nêu cụ thể tại khoản 1 Điều 579 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể:
Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.
Trong đó, Điều 236 Bộ luật này nêu rõ:
Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Như vậy, việc hoàn trả tài sản do chiếm hữu không có căn cứ pháp luật chỉ không phải thực hiện trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình, liên tục và công khai trong thời gian:
- 10 năm: Động sản.
- 30 năm: Bất động sản.
Sau thời gian này, người chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai tài sản sẽ trở thành chủ sở hữu của tài sản đó nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác với tài sản chiếm hữu.
Điều này đồng nghĩa, việc trở thành chủ sở hữu của tài sản chiếm hữu không có căn cứ pháp luật không được đặt ra với việc chiếm hữu không ngay tình. Như vậy, trong mọi trường hợp chiếm hữu không ngay tình, người chiếm hữu đều phải trả lại tài sản chiếm hữu không ngay tình.
Ngoài ra, về việc hoàn trả hoa lợi, lợi tức khi chiếm hữu, khoản 1 Điều 581 Bộ luật Dân sự 2015 nêu rõ:
Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật và không ngay tình thì phải hoàn trả hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật
Như vậy, từ các quy định trên có thể khẳng định, khi chiếm hữu không ngay tình, người chiếm hữu phải trả lại tài sản chiếm hữu cũng như hoa lợi, lợi tức thu được từ khi chiếm hữu tài sản đó.
Trên đây là giải thích về chiếm hữu không ngay tình là gì? Nếu còn thắc mắc về vấn đề khác, hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi để được giải đáp.