hieuluat
Chia sẻ email

Chủ nghĩa xã hội là gì? Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam

Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã xác định con đường phát triển của cách mạng Việt Nam là con đường xã hội chủ nghĩa. Vậy chủ nghĩa xã hội là gì và đất nước ta đang ở giai đoạn nào trên con đường trở thành nước xã hội chủ nghĩa? Hãy cùng chúng tôi tìm lời giải đáp cho vấn đề này trong nội dung bài viết dưới đây.

Mục lục bài viết
  • Chủ nghĩa xã hội là gì?
  • Chủ nghĩa xã hội khác chủ nghĩa tư bản ở điểm nào?
  • Trong nền kinh tế ở các nước tư bản chủ nghĩa
  • Trong nền kinh tế ở các nước xã hội chủ nghĩa
  • Con đường Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội 

Chủ nghĩa xã hội là gì?

Không có một định nghĩa rõ ràng nào về chủ nghĩa xã hội nhưng có thể tiếp cận theo 4 nghĩa:

  • Chủ nghĩa xã hội là phong trào thực tiễn, phong trào đấu tranh chống lại các giai cấp thống trị của nhân dân lao động.

  • Chủ nghĩa xã hội là trào lưu tư tưởng, lý luận, học thuyết phản ánh cho lý tưởng của nhân dân lao động thoát khỏi sự áp bức, bóc lột, bất công.

  • Chủ nghĩa xã hội là một khoa học, khoa học nghiên cứu về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, về những quy luật và quy luật chính trị - xã hội trong quá trình từ chủ nghĩa tư bản chuyển biến thành chủ nghĩa cộng sản

  • Chủ nghĩa xã hội là một chế độ xã hội hiện thực tốt đẹp, là giai đoạn đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa.

Chủ nghĩa xã hội là gì?

Chủ nghĩa xã hội là gì? (Nguồn: internet)

Để trả lời cho câu hỏi chủ nghĩa xã hội là gì thì có thể hiểu rằng, chủ nghĩa xã hội là hệ thống kinh tế và chính trị dựa trên quyền sở hữu tập thể, chung hoặc công cộng đối với tư liệu sản xuất.
Những tư liệu sản xuất này bao gồm: Máy móc, công cụ và nhà máy được sử dụng để sản xuất hàng hóa nhằm đáp ứng trực tiếp những nhu cầu của con người.

Chủ nghĩa xã hội cung cấp cho người dân chế độ xã hội và an sinh xã hội tốt, do đó người dân có thể dựa vào nhà nước mọi điều, từ thực phẩm đến chăm sóc sức khỏe. Chính phủ là cơ quan quyết định sản lượng và giá cả của tất cả hàng hóa và dịch vụ. 

Việc công dân có quyền sở hữu chung đối với tư liệu sản xuất và sự kế hoạch hóa tập trung sẽ mang lại sự phân phối bình đẳng về hàng hóa, dịch vụ và một xã hội công bằng hơn.

Chủ nghĩa xã hội khác chủ nghĩa tư bản ở điểm nào?

Về mặt chức năng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản khác nhau ở hai vấn đề cốt lõi: Quyền sở hữu và kiểm soát tư liệu sản xuất.

Trong nền kinh tế ở các nước tư bản chủ nghĩa

  • Các cá nhân và doanh nghiệp tư nhân sở hữu các tư liệu sản xuất và có quyền thu lợi nhuận từ đó; quyền sở hữu tư nhân được thực hiện rất nghiêm túc và áp dụng cho hầu hết mọi thứ. 

  • Các hoạt động thương mại được tiến hành trên cơ sở tự nguyện hoặc không theo quy định.

  • Các quyết định bao gồm: Sản xuất cái gì, khi nào và cách thức sản xuất như thế nào được đưa ra một cách tư nhân và giá cả được quy định bởi quy luật cung và cầu. Những người theo chủ nghĩa tư bản cho rằng, thị trường tự do hướng các nguồn lực đạt tới mục đích hiệu quả nhất, lợi nhuận có được lớn nhất và nền sản xuất sẽ được thúc đẩy.

 

Phân biệt chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư sản

Phân biệt chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư sản (nguồn: internet)

Trong nền kinh tế ở các nước xã hội chủ nghĩa

  • Tập thể sở hữu và kiểm soát tư liệu sản xuất; có thể có tài sản cá nhân nhưng tồn tại dưới dạng hàng tiêu dùng. Các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và giao thông công cộng được quản lý miễn phí bởi chính phủ.

  • Nhà nước có thể kiểm soát hành vi của người sản xuất, người tiêu dùng và nhà đầu tư bằng cách tiếp nhận và điều tiết thương mại, dòng vốn và các nguồn lực khác

  • Chính phủ hoặc hợp tác xã công nhân làm nhiệm vụ thúc đẩy và phân phối sản xuất. Nhà nước xác định cách sử dụng các nguồn tài nguyên chính và đánh thuế tài sản để phân phối lại các nguồn tài nguyên đó. 

  • Các nhà kinh tế của chủ nghĩa xã hội coi nhiều hoạt động kinh tế tư nhân là vô lý, chẳng hạn như việc tạo ra sự chênh lệch giá hoặc đòn bẩy, bởi vì những hoạt động này không tạo ra nhu cầu tiêu dùng hoặc “sử dụng” ngay lập tức. 

Con đường Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội 

Khi tìm hiểu về vấn đề chủ nghĩa xã hội là gì thì quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam cũng được nhiều người quan tâm.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngay từ những ngày đầu thành lập. Cho đến nay, Đảng và nhà nước ta vẫn kiên định đi theo con đường đã chọn và đã đạt được nhiều thành quả đáng tự hào.

Đất nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội

Lịch sử loài người đã trải qua 5 hình thái kinh tế - xã hội bao gồm:

  • Xã hội cộng sản nguyên thủy.

  • Xã hội chiếm hữu nô lệ.

  • Xã hội phong kiến.

  • Xã hội tư bản chủ nghĩa.

  • Xã hội cộng sản chủ nghĩa.

So với các hình thái kinh tế - xã hội khác trong lịch sử, xã hội cộng sản chủ nghĩa có sự khác biệt về chất, trong đó không có sự đối kháng giữa các giai cấp, con người từng bước đạt được tự do,... Bởi vậy, theo chủ nghĩa Mác - Lênin, từ chủ nghĩa tư bản đi lên chủ nghĩa xã hội tất yếu phải trải qua thời kỳ quá độ.

Các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học phân biệt hai loại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, đó là: 

  • Quá độ trực tiếp áp dụng với các quốc gia đã trải qua chủ nghĩa tư bản phát triển.

  • Quá độ gián tiếp đối với các quốc gia chưa trải qua chủ nghĩa tư bản phát triển.

Theo đó, Liên Xô, các nước Đông Âu trước đây, Trung quốc, Việt Nam và một số nước xã hội chủ nghĩa khác đã và đang trải qua thời kỳ quá độ gián tiếp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau.

Đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam xây dựng

Dựa trên thực tiễn quá trình cách mạng Việt Nam và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, tại đại hội XI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổng kết 8 đặc trưng của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam bao gồm: Mục tiêu, bản chất, nội dung của chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta xây dựng, đó là:

  • Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.

  • Đất nước do nhân dân làm chủ.

  • Nền kinh tế phát triển cao nhờ có lực lượng sản xuất hiện đại, chất lượng cao và quan hệ sản xuất tiến bộ.

  • Xây dựng nền văn hóa tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.

  • Người dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc và có đầy đủ điều kiện để phát triển toàn diện.

  • Các dân tộc Việt Nam có mối quan hệ bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển.

  • Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân và được lãnh đạo bởi Đảng cộng sản.

  • Có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước khác trên thế giới.

Đặc trưng của chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam
Đặc trưng của chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam (nguồn: internet)

Phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Tại đại hội XI năm 2011, dựa trên cơ sở 7 phương hướng của Cương lĩnh xây dựng đất nước năm 1991, Đảng ta đã bổ sung và phát triển 8 phương hướng phản ánh con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đó là: 

  • Một là, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn liền với phát triển nền kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên môi trường.

  • Hai là, dựa trên định hướng xã hội chủ nghĩa để phát triển nền kinh tế thị trường.

  • Ba là, xây dựng một nền văn hóa tiên tiến nhưng vẫn mang đậm bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

  • Bốn là, xây dựng nền quốc phòng và an ninh quốc gia vững chắc; đảm bảo trật tự và an toàn xã hội.

  • Năm là, thực hiện đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển; chủ động và tích cực để hội nhập với quốc tế.

  • Sáu là, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện nhiệm vụ đại đoàn kết toàn nhân dân, tăng cường và phát triển mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất.

  • Bảy là, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

  • Tám là, xây dựng Đảng ta trở thành Đảng trong sạch và vững mạnh.

Trên đây là toàn bộ nội dung của bài viết, hy vọng với những thông tin mà Hieuluat.vn mang lại, bạn đọc sẽ có những hiểu biết rõ ràng hơn về chủ nghĩa xã hội là gì và đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mà nước ta đang xây dựng để từ đó có những nhận thức đúng đắn hơn về trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân.​

Có thể bạn quan tâm

X