hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 15/10/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Chứng thư số là gì? Những ai được cấp chứng thư số?

Chứng thư số hiện nay thường được sử dụng để xác định danh tính của một đối tượng là cá nhân, tổ chức khi tham gia giao dịch điện tử dựa trên một máy chủ xác thực danh tính. Vậy chứng thư số là gì? Bao gồm những thông tin nào?

Mục lục bài viết
  • Chứng thư số là gì?
  • Nội dung chứng thư số gồm những thông tin gì?
  • Ai được cấp chứng thư số?
  • Hồ sơ, thủ tục cấp chứng thư số như thế nào?

Chứng thư số là gì?

Theo khoản 7 Điều 3 Nghị định 130/2018 của Chính phủ

"Chứng thư số" là một dạng chứng thư điện tử do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp nhằm cung cấp thông tin định danh cho khóa công khai của một cơ quan, tổ chức, cá nhân, từ đó xác nhận cơ quan, tổ chức, cá nhân là người ký chữ ký số bằng việc sử dụng khóa bí mật tương ứng.

Cũng tại Điều 3 Nghị định 130/2018 của Chính phủ, có các loại chứng thư số như sau:

1. Chứng thư số có hiệu lực: chứng thư số chưa hết hạn, không bị tạm dừng hoặc bị thu hồi.

2. Chứng thư số công cộng: chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp.

3. Chứng thư số nước ngoài: chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số nước ngoài cấp.

Như vậy, chứng thư số là chứng thư dạng điện tử và được cung cấp bởi một tổ chức chuyên về dịch vụ chứng thực chữ ký số, được sử dụng để xác minh danh tính cá nhân, đơn vị tổ chức khi thực hiện giao dịch điện tử.

Chứng thư số còn được xem như chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu điện tử có vai trò xác nhận danh tính của một đối tượng, đó có thể là cá nhân, tổ chức trong môi trường internet của tổ chức sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số cung cấp.

Chứng thư số chứng minh được tính hợp lệ, hợp pháp đích danh của chữ ký số của cá nhân hoặc tổ chức.

chung thu so la gi
Chứng thư số có vai trò xác nhận danh tính của một đối tượng... Ảnh minh họa.

Nội dung chứng thư số gồm những thông tin gì?

Theo nội dung trên, có thể thấy, chứng thư số là cách nhận diện máy chủ. Cá nhân, tổ chức sử dụng chứng thư số được gắn định danh với 01 Public Key (khóa công khai). Chứng thư số phải được cấp bởi tổ chức có thẩm quyền:

- Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia

- Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng

- Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ

- Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của cơ quan, tổ chức

Điều 5 Nghị định 130/2018 quy định nội dung của chứng thư số gồm:

- Tên của tổ chức (cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số)

- Tên thuê bao

- Số hiệu

- Thời hạn hiệu lực

- Khóa công khai

- Chữ ký số của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số

- Hạn chế: mục đích, phạm vi sử dụng, trách nhiệm pháp lý của tổ chức cung cấp dịch vụ…

- Thuật toán mật mã

- Các nội dung khác… (quy định của Bộ Thông tin Truyền thông)

Ai được cấp chứng thư số?

Căn cứ quy định tại Điều 6 Nghị định 130/2018:

Tất cả các cơ quan, tổ chức; chức danh nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức về quản lý và sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật đều có quyền được cấp chứng thư số.

Ngoài ra, chứng thư số cấp cho chức danh nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức phải nêu rõ chức danh, tên cơ quan, tổ chức của người đó.

Việc cấp chứng thư số cho cơ quan, tổ chức; chức danh nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức phải căn cứ vào:

- Văn bản của cơ quan, tổ chức có đề nghị cấp chứng thư số

- Bản sao hợp lệ quyết định thành lập, quyết định quy định chức năng, quyền hạn hoặc văn bản xác nhận chức danh của người có thẩm quyền…

Hồ sơ, thủ tục cấp chứng thư số như thế nào?

1. Hồ sơ cấp chứng thư số cho cá nhân

Văn bản đề nghị cấp chứng thư số của cá nhân có xác nhận của cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp

2. Hồ sơ cấp chứng thư số cho người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu, người có chức danh nhà nước:

Văn bản đề nghị cấp chứng thư số của người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật

 3. Hồ sơ cấp chứng thư số cho cơ quan, tổ chức

Văn bản đề nghị của người được cơ quan, tổ chức giao quản lý chứng thư số của cơ quan, tổ chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp xác nhận.

4. Hồ sơ ấp chứng thư số cho thiết bị, dịch vụ, phần mềm

Văn bản đề nghị của người được cơ quan, tổ chức giao quản lý chứng thư số của thiết bị, dịch vụ, phần mềm, giấy xác nhận sở hữu bản quyền phần mềm của cơ quan, tổ chức quản lý phần mềm…

Tất cả các hồ sơ cấp chứng thư số trên đều được gửi đến tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ có trách nhiệm:

- Kiểm tra hồ sơ

- Tổ chức tạo cặp khóa

- Tạo chứng thư số

- Bảo đảm thiết bị lưu khóa bí mật cho thuê bao.

Đồng thời thông báo thời gian, địa điểm tiếp nhận thiết bị lưu khóa bí mật cho cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp thuê bao.

Bên cạnh đó, cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp thuê bao có trách nhiệm tiếp nhận thiết bị lưu khóa bí mật vè gửi đề nghị thời điểm có hiệu lực của chứng thư số.

Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đề nghị, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ có trách nhiệm:

Công bố chứng thư số của thuê bao trên trang thông tin điện tử (của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ)

Chứng thư số của thuê bao có hiệu lực kể từ thời điểm công bố.

Thời hạn có hiệu lực của chứng thư số là bao lâu?

Theo quy định tại Điều 59, Nghị định 130:

- Chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ thời hạn: hiệu lực 20 năm.

- Chứng thư số của thuê bao cấp mới thời hạn: hiệu lực tối đa là 05 năm.

- Chứng thư số gia hạn: thời hạn hiệu lực được gia hạn tối đa là 03 năm.

Trên đây là những giải đáp về chứng thư số là gì? Nếu bạn còn vướng mắc, có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

>> Thêm trường hợp thuê bao bị thu hồi chứng thư số từ năm 2021

Có thể bạn quan tâm

X