hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 27/07/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Cơ sở hạ tầng là gì? Có vai trò gì trong phát triển kinh tế?

Trong cuộc sống hàng ngày, trong mọi lĩnh vực cuộc sống nhiều người vẫn thường nghe nhắc đến cơ sở hạ tầng. Cơ sở đóng vai trò quan trọng, xã hội ngày càng phát triển thì cơ sở hạ tầng cũng ngày càng được cải thiện, nâng cao chất lượng. Vậy cụ thể, cơ sở hạ tầng là gì?

Mục lục bài viết
  • 1. Cơ sở hạ tầng là gì?
  • 2. Cơ sở hạ tầng trong triết học được hiểu thế nào?
  • 3. Cơ sở hạ tầng gồm những gì?
  • 3.1. Phân loại cơ sở hạ tầng trong kinh tế – xã hội
  • 3.2. Phân loại cơ sở hạ tầng theo lãnh thổ – dân cư

1. Cơ sở hạ tầng là gì?

Cơ sở hạ tầng trong đời sống là thuật ngữ chỉ các yếu tố thuộc về phương diện kỹ thuật, vật chất, kinh tế, giao thông… tồn tại trong xã hội hay môi trường nhất định nào đó. Mục đích chính của cơ sở hạ tầng là hỗ trợ các hoạt động liên quan đến sản xuất, đời sống của con người.

Hiểu một cách đơn giản thì cơ sở hạ tầng chính là những bộ phận kết cấu, nền tảng cho việc phát triển nền kinh tế.

- Trên phương diện hình thái, cơ sở hạ tầng là những tài sản hữu hình như đường xá, hệ thống cầu cống, kênh mương thủy lợi, các công trình công cộng,… Theo quy định tại Mục 1.2 Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN 01:2008/BXD thì đây chính là những công trình thuộc hạ tầng xã hội hoặc hạ tầng cơ sở.

Dựa trên cơ sở đó các hoạt động kinh tế, xã hội được duy trì và phát triển.

- Trên phương diện kinh tế hàng hóa: cơ sở hạ tầng là một loại hàng hóa công cộng dùng để phục vụ cho lợi ích của toàn xã hội.

- Trên phương diện đầu tư: cơ sở hạ tầng là kết quả, sản phẩm của quá trình đầu tư qua nhiều thế hệ được đầu tư đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển đất nước về mọi mặt.

Như vậy, cơ sở hạ tầng là toàn bộ điều kiện về vật chất, kỹ thuật,… được trang bị để phục vụ cho hoạt động sản xuất cũng như đời sống con người.

co so ha tang la gi

2. Cơ sở hạ tầng trong triết học được hiểu thế nào?

Cơ sở hạ tầng trong phạm trù triết học có tên tiếng Anh là "Infrastructure" dùng để chỉ toàn bộ những quan hệ sản xuất hợp thành cơ cấu kinh tế của xã hội, cũng có thể là một giai đoạn lịch sử nhất định. Đây là phạm trù cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử.

Theo Từ điển bách khoa mở toàn thư thì cơ sở hạ tầng trong chủ nghĩa duy vật lịch sử bao gồm tất cả các mối quan hệ sản xuất tạo thành cơ cấu kinh tế của 01 xã hội nhất định.

Cơ sở hạ tầng của một xã hội ở 01 giai đoạn lịch sử nhất định bao gồm 03 loại quan hệ sản xuất:

- Quan hệ sản xuất thống trị

- Quan hệ sản xuất tàn dư

- Quan hệ sản xuất mầm mống (tương lai)

Trong đó, quan hệ sản xuất thống trị đóng vai trò quy định và chi phối 02 quan hệ sản xuất còn lại.

Cơ sở hạ tầng quyết định nội dung, tính chất của kiến trúc thượng tầng; nội dung, tính chất của kiến trúc thượng tầng là sự phản ánh cơ sở hạ tầng.

Kiến trúc thượng tầng theo chủ nghĩa duy vật lịch sử của Marx và Ph.Ăng-ghen dùng mô tả hệ thống kết cấu các hình thái ý thức xã hội cùng thiết chế chính trị - xã hội tương ứng, được hình thành trên cơ sở hạ tầng nhất định.

Có thể hiểu, kiến trúc thượng tầng là toàn bộ quan điểm chính trị, triết học, đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật,… cùng với thiết chế xã hội tương ứng như nhà nước, đảng phái, giáo hội,…

Tính chất của kiến trúc thượng tầng do tính chất của cơ sở hạ tầng quyết định.

Ví dụ trong xã hội giai cấp, giai cấp nào thống trị kinh tế thì chiếm địa vị thống trị cả về chính trị lẫn đời sống tinh thần của xã hội.

Các yếu tố của kiến trúc thượng tầng như nhà nước, pháp quyền, tôn giáo,… đều trực tiếp hay gián tiếp phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng, do cơ sở hạ tầng quyết định.

Cơ sở hạ tầng thay đổi thì kiến trúc thượng tầng sớm hay muộn cũng thay đổi theo. Theo Các – Mác thì:

Cơ sở kinh tế thay đổi thì toàn bộ cái kiến trúc thượng tầng đồ sộ cũng bị đảo lộn ít nhiều nhanh chóng

Kinh tế có vai trò quyết định các lĩnh vực hoạt động của xã hội do đó, kiến trúc thượng tầng phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng.

Mặc dù cơ sở hạ tầng quyết định cơ sở thượng tầng và cơ sở thượng tầng phải phù hợp với cơ sở hạ tầng, nhưng kiến trúc thượng tầng vẫn có tính độc lập trong quá trình vận động, phát triển và có sự tác động một cách mạnh mẽ với cơ sở hạ tầng.

3. Cơ sở hạ tầng gồm những gì?

Cơ sở hạ tầng được phân loại không giống nhau phụ thuộc vào đặc trưng của từng lĩnh vực.

co so ha tang la gi


Cụ thể như sau:

3.1. Phân loại cơ sở hạ tầng trong kinh tế – xã hội

- Cơ sở hạ tầng kinh tế: cơ sở vật chất được dùng trong sản xuất hàng hoá, phục vụ cho hoạt động lưu thông.

Ví dụ: Hệ thống giao thông vận tải…

- Cơ sở hạ tầng xã hội: Cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động văn hoá - xã hội - đời sống - giáo dục.

Ví dụ: Nhà ở, trường học, bệnh viện, các công trình công cộng…

- Cơ sở hạ tầng môi trường: cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho công tác bảo vệ và giữ gìn tài nguyên môi trường.

- Cơ sở hạ tầng quốc phòng: cơ sở vật chất kỹ thuật dùng trong các hoạt động liên quan đến lĩnh vực an ninh – quốc phòng.

Ví dụ: Cơ sở sản xuất, sữa chữa vũ khí…

3.2. Phân loại cơ sở hạ tầng theo lãnh thổ – dân cư

Phân loại cơ sở hạ tầng theo lãnh thổ - dân cư gồm có:

- Cơ sở hạ tầng đô thị: cơ sở vật chất kỹ thuật ở các vùng đô thị phát triển.

- Cơ sở hạ tầng nông thôn: cơ sở vật chất kỹ thuật ở các vùng nông thôn.

- Cơ sở hạ tầng kinh tế biển: cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho phát triển kinh tế biển.

- Cơ sở hạ tầng vùng đồng bằng và trung du miền núi: cơ sở vật chất kỹ thuật ở vùng đồng bằng và trung du, các tỉnh miền núi.

3.3. Phân loại cơ sở hạ tầng theo cấp quản lý

- Do Trung ương quản lý: cơ sở vật chất kỹ thuật có quy mô lớn như sân bay, đường sắt, đường quốc lộ, các cơ sở an ninh – quốc phòng.

- Do địa phương quản lý: cơ sở vật chất kỹ thuật các tỉnh, thành phố, quận/huyện, xã/phường chịu trách nhiệm quản lý như hệ thống cầu - đường, kênh mương, cơ sở giáo dục – y tế,…

3.4. Phân loại cơ sở hạ tầng theo tính chất – đặc điểm

- Cơ sở hạ tầng mang hình thái vật chất: Các công trình trường học, bệnh viện, hệ thống đường giao thông, điện,…

- Cơ sở hạ tầng phi vật chất: Các thủ tục hành chính, hệ thống pháp luật, an ninh trật tự…

4. Vai trò của cơ sở hạ tầng là gì?

Cơ sở hạ tầng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và tạo động lực cho sự phát triển.

Nếu hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư, phát triển đồng bộ, hiện đại sẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả nền kinh tế, đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.

Trái lại, hệ thống cơ sở hạ tầng kém phát triển cản trở sự phát triển nền kinh tế nói chung.

Hầu hết những quốc gia phát triển đều có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại. Tuy nhiên ở nhiều nước đang phát triển, kết cấu hạ tầng thiếu và yếu gây ứ đọng trong việc luân chuyển các nguồn lực, khó hấp thụ vốn đầu tư, ảnh hướng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đang là ưu tiên của nhiều quốc gia đang phát phát triển, trong đó có Việt Nam.

co so ha tang la gi

Thực tế, cơ sở hạ tầng chi phối các giai đoạn phát triển, làm nền tảng, cơ sở cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cơ sở hạ tầng quyết định sự tăng trưởng và phát triển nhanh của tất cả các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Kết cấu hạ tầng nhằm đảm bảo quy trình sản xuất được tiến hành một cách thường xuyên với quy mô ngày càng mở rộng. Những điều này sẽ làm tăng ngân sách Nhà nước và đưa nền kinh tế thoát khỏi trì trệ, bế tắc.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng còn tạo ra sự thay đổi trong cơ cấu nền kinh tế. Cơ sở hạ tầng hiện đại, phát triển tạo điều kiện cơ bản cho sự ra đời của nhiều ngành nghề mới ra đời và phát triển, nhất là đối với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, hoạt động dịch vụ.

Cụ thể, ở vùng nông thôn trước đây kinh tế kém phát triển, vì thiếu điện, hệ thống thông tin liên lạc, giao thông chưa được đầu tư… Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhờ cơ sở hạ tầng ở nông thôn được hiện đại hóa, sản xuất nông nghiệp vì thế cũng đã cải thiện chiều hướng tích cực, cơ cấu nông nghiệp trong GDP ngày càng giảm, tỉ trọng công nghiệp, dịch vụ tăng lên.

Một khi cơ sở hạ tầng phát triển sẽ tạo ra sự phát triển đồng đều giữa các vùng trong nước. Bởi thực tế hiện nay ở nước ta, tại những vùng có đô thị lớn, có cơ sở hạ tầng được đầu tư, kinh tế sẽ phát triển nhanh hơn, còn những vùng sâu, vùng xa, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, kinh tế chậm. Sự phát triển không đồng đều giữa các vùng làm mất cân đối nền kinh tế của cả nước.

Trong điều kiện hiện nay, chỉ có thể từng bước giảm bớt chứ chưa thể xóa bỏ sự phát triển có sự chênh lệch giữa các vùng.

Cơ sở hạ tầng còn là điều kiện thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bởi muốn thu hút vốn đầu tư, nước đó cần phải tạo môi trường đầu tư và cơ sở hạ tầng là yếu tố không thể thiếu.

Việc xây dựng và tạo ra cơ sở hạ tầng tốt nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, và nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng được dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho các ngành sản xuất kinh doanh có năng suất cũng như hoạt động có hiệu quả hơn.

Cơ sở hạ tầng phát triển còn tạo điều kiện để giải quyết việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Bởi một khi cơ sở hạ tầng phát triển là cơ sở để tạo ra nhiều cơ sở sản xuất vật chất mới, tạo điều kiện trong việc giao lưu kinh tế - văn hóa giữa các khu vực khác nhau, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, phân bố nguồn lao động hợp lý hơn. Mặt khác, sự xuất hiện của những cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ với công nghệ kỹ thuật hiện đại sẽ hoạt động hiệu quả hơn, lợi nhuận cao hơn và người lao động cũng sẽ có nguồn thu nhập cao hơn.

5. Cơ sở hạ tầng mạng là gì?

Cơ sở hạ tầng mạng bao gồm phần cứng và phần mềm của toàn bộ mạng, các thiết bị có chức năng định tuyến, chuyển mạch, xử lý đa dịch vụ cho phép kết nối mạng, giao tiếp, vận hành và quản lý mạng doanh nghiệp hoạt động ổn định và nhanh chóng.

Cơ sở hạ tầng mạng là 01 phần của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, có mặt trong hầu hết các môi trường công nghệ thông tin dành cho doanh nghiệp. Toàn bộ cơ sở hạ tầng mạng được kết nối với nhau, được sử dụng cho liên lạc nội bộ, liên lạc bên ngoài hoặc cả hai.

Một cơ sở hạ tầng mạng điển hình bao gồm:

Phần cứng mạng

Phần mềm mạng

Dịch vụ mạng

- Bộ định tuyến

- Công tắc

- Thẻ LAN

- Bộ định tuyến không dây

- Cáp

- Quản lý và vận hành mạng

- Các hệ điều hành

- Bức tường lửa

- Ứng dụng bảo mật mạng

- Dòng T-1

- DSL

- Vệ tinh

- Giao thức không dây

- Địa chỉ IP

Một tổ chức/doanh nghiệp nếu muốn hệ thống mạng hoạt động nhanh, mạnh, thông suốt và hiệu quả phải đầu tư cơ sở hạ tầng mạng tốt. Nếu hạ tầng mạng không tốt, hoạt động không ổn định, hệ thống mạng gặp sự cố, tín hiệu kém sẽ có những ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp/tổ chức đó.

Việc xây dựng hạ tầng mạng hiệu quả giúp xây dựng kết nối một cách đa dạng, hỗ trợ xây dựng trung tâm dữ liệu, đảm bảo những vấn đề về bảo mật và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Nếu một người có hành vi phá hoại cơ sở hạ tầng thông tin hoặc phá hoại thông tin trên môi trường mạng sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 75 Nghị định 15/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 140 – 170 triệu đồng. Đồng thời buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do thực hiện hành vi vi phạm.

Hieuluat vừa thông tin về cơ sở hạ tầng là gì? Nếu còn thắc mắc, hãy liên hệ với tổng đài  19006199 của chúng tôi để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X