hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 08/09/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Đại diện ủy quyền là gì? Khác gì đại diện theo pháp luật?

Ngoài đại diện theo pháp luật thì đại diện theo ủy quyền cũng là một trong số các hình thức của đại diện được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Vậy đại diện theo ủy quyền là gì?

Đại diện theo ủy quyền được hiểu thế nào?

Đại diện được định nghĩa là việc người đại diện (có thể là cá nhân hoặc pháp nhân) thay mặt người được đại diện (cá nhân, pháp nhân khác) xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự vì lợi ích của bên được đại diện (căn cứ tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Đặc biệt, nếu pháp luật quy định, người được đại diện bắt buộc phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch thì cá nhân đó không được để người khác đại diện cho mình.

Hiện nay, có hai căn cứ để xác lập quyền đại diện là:

- Đại diện theo ủy quyền: Quyền đại diện được thực hiện thông qua việc người được đại diện và người đại diện ủy quyền cho nhau.

- Đại diện theo pháp luật: Quyền đại diện được thực hiện theo các căn cứ gồm: Quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.

Về đại diện theo ủy quyền, Điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2015 và Điều 2 Công văn số 152/TANDTC-PC về giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, xử lý nợ xấu có hướng dẫn như sau:

- Chủ thể: Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác thực hiện giao dịch dân sự.

- Phạm vi: Chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi được đại diện ủy quyền theo nội dung do hai bên ủy quyền hoặc theo quy định khác của pháp luật.

- Thỏa thuận cử người đại diện theo ủy quyền: Các thành viên trong hộ gia đình, tổ hợp tác hoặc một tổ chức nào đó không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận với nhau để cử một cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền để ký kết, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các đối tượng này.

- Độ tuổi của người đại diện theo ủy quyền là cá nhân: Người từ đủ 15 tuổi - chưa đủ 18 tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền ngoại trừ các giao dịch dân sự mà pháp luật yêu cầu phải do người từ đủ 18 tuổi trở lên thực hiện, ký kết.

- Trường hợp chấm dứt: Theo khoản 3 Điều 140 Bộ luật Dân sự năm 2015, đại diện theo ủy quyền có thể chấm dứt trong các trường hợp sau:

+ Khi hai bên có thỏa thuận về vấn đề này.

+ Thời hạn ủy quyền giữa hai bên đã hết.

+ Công việc hai bên thỏa thuận để đại diện theo uỷ quyền đã hoàn thành.

+ Một trong hai bên (người được đại diện hoặc người đại diện) đơn phương chấm dứt thực hiện công việc đại diện ủy quyền.

+ Người được đại diện, người đại diện chết (nếu là cá nhân); chấm dứt tồn tại (nếu là pháp nhân).

+ Trong trường hợp pháp luật yêu cầu người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được ký kết, thực hiện nhưng người này không còn đáp ứng điều kiện này nữa.

+ Các căn cứ khác khiến việc đại diện theo ủy quyền không thực hiện được.

Như vậy, Bộ luật Dân sự năm 2015 không có định nghĩa cụ thể về đại diện ủy quyền mà có thể hiểu đây là việc đại diện do các bên ủy quyền cho nhau trong việc ký kết, thực hiện giao dịch dân sự.

Xem tiếp: Được phép ủy quyền cho nhiều người cùng thực hiện công việc không?

dai dien uy quyen la gi
Đại diện ủy quyền là gì? (Ảnh minh họa)

Sự khác nhau giữa đại diện theo ủy quyền và theo pháp luật

Như phân tích ở trên, đại diện gồm hai hình thức là theo ủy quyền và theo pháp luật. Dưới đây là các tiêu chí dùng để phân biệt hai hình thức đại diện này.

Tiêu chí

Đại diện theo ủy quyền

Đại diện theo pháp luật

Căn cứ pháp lý

Điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2015

Điều 136 và Điều 137 Bộ luật Dân sự năm 2015

Hình thức

Theo ủy quyền

- Theo quyết định của cơ quan Nhà nước

- Theo điều lệ của pháp nhân

- Theo quy định của pháp luật

Đối tượng

- Cá nhân, pháp nhân

- Thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân

- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi nếu pháp luật không có quy định khác

- Cha, mẹ với con chưa thành niên

- Người giám hộ và người được giám hộ

- Người do Tòa án chỉ định

- Người được pháp nhân chỉ định nêu chi tiết trong điều lệ của công ty

- Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật…

Phạm vi

Theo nội dung ủy quyền

- Theo quy định của pháp luật

- Theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền

- Theo điều lệ của pháp nhân

Chấm dứt

- Do hai bên thỏa thuận

- Do thời hạn ủy quyền hết

- Do đã hoàn thành công việc ủy quyền

- Do một trong hai bên đơn phương chấm dứt đại diện ủy quyền

- Do đã chết (cá nhân) hoặc chấm dứt tồn tại (pháp nhân)

- Do người đại diện không đủ điều kiện theo quy định

- Các căn cứ khác khiến việc đại diện ủy quyền không thực hiện được

- Người được đại diện đã thành niên hoặc khôi phục năng lực hành vi dân sự hoặc đã chết (cá nhân)

- Người được đại diện đã chấm dứt tồn tại (pháp nhân)

- Căn cứ chấm dứt đại diện theo pháp luật dựa vào quy định của Bộ luật Dân sự hoặc pháp luật khác

Trên đây là giải thích về đại diện ủy quyền là gì? Nếu có thắc mắc nào khác, bạn đọc để lại câu hỏi để được giải đáp.

>> Đại diện theo pháp luật là gì? Chấm dứt trong trường hợp nào?

Có thể bạn quan tâm

X