Trong quan hệ xã hội, cụm từ dân sự được sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên, ý nghĩa chính xác của cụm từ này thì không phải ai cũng biết.
Dân sự là gì?
Theo từ điển tiếng Việt, nếu là danh từ, dân sự dùng để chỉ các việc có liên quan đến dân nói chung. Tuy nhiên, đây là cách hiểu cũ và ít khi được sử dụng. Hiện nay, danh từ dân sự được hiểu với nghĩa là các việc thuộc về quan hệ tài sản, hoặc hôn nhân, gia đình...Nếu là tính từ, dân sự nghĩa là thuộc về nhân dân, liên quan đến nhân dân.
Trên thực tế, cum từ dân sự thường không đi một mình, nó thường được nhắc đến bằng cụm luật dân sự, Bộ luật Dân sự.
Luật dân sự là gì?
Luật dân sự là ngành luật trong hệ thống pháp luật, là tổng hợp những quy phạm điều chỉnh các quan hệ tài sản và một số quan hệ nhân thân trong giao lưu dân sự trên cơ sở bình đẳng, tự định đoạt và tự chịu trách nhiệm của các chủ thể tham gia các quan hệ dân sự.
Theo Điều 1 Bộ luật Dân sự 2015:Bộ luật này quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm (sau đây gọi chung là quan hệ dân sự).
Như vậy, đối tượng điều chỉnh của luật dân sự gồm:
- Quan hệ tài sản: Quan hệ tài sản bao giờ cũng gắn với một tài sản nhất định được thể hiện dưới dạng này hay dạng khác. Tài sản bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Quan hệ tài sản không chỉ bó hẹp ở tài sản mà còn là những quan hệ xã hội liên quan đến một tài sản,
Quan hệ tài sản không chỉ bao gồm vật thuộc về ai, do ai chiếm hữu, sử dụng, định đoạt mà còn bao gồm cả việc dịch chuyển những tài sản đó từ chủ thể này sang chủ thể khác, quyền yêu cầu của một hay nhiều chủ thể và nghĩa vụ tương ứng với các quyền yêu cầu đó của một hay nhiều chủ thể khác trong quan hệ nghĩa vụ cũng được coi là quan hệ tài sản. Quan hệ tài sản rất đa dạng và phức tạp bởi các yếu tố cấu thành nên các quan hệ đó bao gồm: chủ thể tham gia, khách thể được tác động và nội dung của các quan hệ đó.
- Quan hệ nhân thân:Llà quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác chẳng hạn họ tên, quốc tịch...
Vi phạm dân sự là gì?
Theo quy định của pháp luật, các chế tài dân sự thường là bồi thường thiệt hại, cải chính, khắc phục hậu quả. Trách nhiệm dân sự là trách nhiệm pháp lý mang tính tài sản được áp dụng đối với người vi phạm pháp luật dân sự nhằm bù đắp về tổn thất vật chất, tinh thần cho người bị hại. Trong dân sự, trước hết, pháp luật công nhận sự thỏa thuận của các bên về trách nhiệm bồi thường, khắc phục hậu quả. Nếu không thỏa thuận được, thì được giải quyết tại tòa án dân sự, sau khi có quyết định của tòa án thì người có lỗi phải bồi thường thiệt hại và có biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có). Mục đích là nhằm răn đe những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho người bị hại do hành vi vi phạm gây ra nhằm khắc phục những tổn thất do họ gây ra.
Ví dụ: A ký hợp đồng với B cho B thuê nhà 01 năm. Trong thời gian này, B làm hỏng nhà A. Lúc này, B phải bồi thường cho A theo thỏa thuận trong hợp đồng, nếu không thỏa thuận được thì A có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền, thông thường, mức bồi thường căn cứ vào thiệt hại thực tế.
Trách nhiệm dân sự là gì?
Bộ luật Dân sự năm 2015 không đưa ra định nghĩa về trách nhiệm dân sự. Trong quan hệ dân sự, khi nghĩa vụ không thực hiện thì bên vi phạm nghĩa vụ sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự (Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ). Về mặt khoa học pháp lý có thể hiểu trách nhiệm dân sự là hậu quả bất lợi mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm nghĩa vụ nói riêng.
Ví dụ: A nhận vận chuyển hàng cho B từ đảo Cát Bà Hải Phòng về Hà Nội nhưng gặp bão lớn nên tàu thuyền bị cấm. Thông thường, trường hợp này A không thể thực hiện được việc vận chuyển đúng thời hạn thì A sẽ không phải chịu trách nhiệm dân sự do xảy ra sự kiện bất khả kháng. Tuy nhiên, nếu A và B có thỏa thuận A phải bồi thường thiệt hại cho B nếu không vận chuyển đúng thời hạn trong mọi trường họp kể cả trường hợp do sự kiện bất khả kháng thì trong trường hợp này A vẫn phải bồi thường thiệt hại cho B theo thỏa thuận.
Trên đây là giải đáp dân sự là gì? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.