hieuluat
Chia sẻ email

Đất cơ sở tôn giáo là gì? Được chuyển nhượng đất tôn giáo không?

Đất cơ sở tôn giáo là gì? Đất cơ sở tôn giáo có được chuyển nhượng, tặng cho…không? Đây là những câu hỏi mà được nhiều người quan tâm, đặc biệt những người có mong muốn, nhu cầu sử dụng loại đất này. Tuy vậy, không phải nhiều có thể hiểu tường tận về quy định của pháp luật đất đai đối với loại đất đặc biệt này. HieuLuat sẽ cung cấp cho bạn đọc những nội dung kiến thức cơ bản nhất xoay quanh loại đất cơ sở tôn giáo này.

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi đang có ý định mua một phần diện tích đất cơ sở tôn giáo qua người quen môi giới. Tuy nhiên, tôi tìm hiểu thì được biết, đất cơ sở tôn giáo là loại đất không thể tiến hành mua bán, chuyển nhượng. Vậy tôi mong Luật sư có thể giải đáp cho tôi những vấn đề sau đây, đất cơ sở tôn giáo là gì? Đất cơ sở tôn giáo thì được cấp sổ hồng không? Quyền của người sử dụng đất cơ sở tôn giáo là gì? Có được bán đất cơ sở tôn giáo không?

Chào bạn, liên quan đến vấn đề đất cơ sở tôn giáo là gì và những vấn đề xoay quanh đất cơ sở tôn giáo mà bạn đang quan tâm, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Đất cơ sở tôn giáo là gì?

Cơ sở tôn giáo là những nơi như chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo được hoạt động theo quy định pháp luật (khoản 4 Điều 5 Luật Đất đai 2013).

Theo đó, Điều 159 Luật Đất đai 2013 quy định đất cơ sở tôn giáo là phần diện tích đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, hoặc phần diện tích đất của các trường đào tạo riêng của tôn giáo, diện tích đất của trụ sở của tổ chức tôn giáo hoặc các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động theo quy định pháp luật.

Người sử dụng đất cơ sở tôn giáo là các cơ sở tôn giáo. Các cơ sở tôn giáo thường có quyền sử dụng đất hợp pháp thông qua hình thức được Nhà nước giao dựa trên chính sách về tôn giáo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt  (khoản 2 Điều 159 Luật Đất đai 2013).

Ngoài ra, đất cơ sở tôn giáo là đất có nguồn gốc là Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất (khoản 5 Điều 54 Luật Đất đai 2013) và có thời gian sử dụng ổn định, lâu dài theo quy định tại Điều 125 Luật Đất đai 2013.

=> Từ các căn cứ trên, suy ra, đất cơ sở tôn giáo là loại đất thuộc phạm vi của chùa, thánh thất, tu viện... mà do cơ sở tôn giáo được hoạt động hợp pháp quản lý, sử dụng và được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.

Đất cơ sở tôn giáo có được cấp sổ hồng không?

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 99 Luật Đất đai 2013, đất cơ sở tôn giáo là một trong những loại đất được Nhà nước giao thuộc trường hợp được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) theo quy định pháp luật.

Xem thêm: Thủ tục cấp sổ đỏ cho đất cơ sở tôn giáo thế nào?

Nguồn gốc hình thành đất cơ sở tôn giáo là gì?

Ngoài nguồn gốc là được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất thì đất cơ sở tôn giáo còn được hình thành thông qua các hình thức theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 28 Nghị định 43/2014/NĐ-CP gồm:

  • Đất cơ sở tôn giáo được nhận chuyển nhượng hoặc nhận tặng cho;

  • Đất cơ sở tôn giáo đang sử dụng do mượn của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân;

  • Hoặc đất cơ sở tôn giáo có được do tự tạo lập;

  • Hoặc đất cơ sở tôn giáo được hình thành từ nguồn gốc khác;

=> Đất cơ sở tôn giáo được hình thành từ 5 nguồn gốc khác nhau. Khi thực hiện cấp sổ đỏ cho đất cơ sở tôn giáo thì cần tuân thủ quy định của pháp luật về quy trình, điều kiện và cách thức được cấp sổ hồng.

Tuy có nhiều nguồn gốc hình thành khác nhau, nhưng khi rà soát, kiểm tra, giải quyết thì các cơ sở tôn giáo sử dụng đất đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận thì diện tích đất được ghi nhận trong sổ hồng có nguồn gốc là đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất (khoản 3 Điều 28 Nghị định 43/0214/NĐ-CP)

Kết luận: Đất cơ sở tôn giáo là loại đất được hình thành từ nguồn gốc do Nhà nước giao hoặc cơ sở tôn giáo nhận tặng cho, nhận chuyển nhượng, tự tạo lập… và đây phải là đất thuộc vào phạm vi của chùa, tu viện, thánh thất, các trường chuyên biệt của các cơ sở tôn giáo,... được phép hoạt động theo quy định pháp luật.

dat co so ton giao la gi


Quyền của người sử dụng đất cơ sở tôn giáo là gì?

Cũng giống như nhiều người sử dụng đất khác, người sử dụng đất cơ sở tôn giáo (các cơ sở tôn giáo) có các quyền chung được quy định tại Điều 166 Luật Đất đai 2013, bao gồm:

  • Quyền được cấp Giấy chứng nhận theo quy định pháp luật;

  • Quyền được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất: Ví dụ việc đầu tư hưởng thành quả từ cây trồng trên đất,...;

  • Quyền được hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp: Ví dụ như hệ thống tưới tiêu,...;

  • Quyền được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp: Ví dụ khi cơ sở tôn giáo sử dụng đất nông nghiệp được thuê của Nhà nước để canh tác,...;

  • Quyền được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình: Ví dụ quyền không được xâm phạm nơi sinh hoạt riêng của chùa, được bảo đảm sử dụng hợp pháp đối với phần diện tích đất được Nhà nước công nhận quyền…;

  • Quyền được nhận bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất: Việc nhận bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất do cơ sở tôn giáo sử dụng có thể là bồi thường chi phí đầu tư vào đất nông nghiệp còn lại, bồi thường chi phí đầu tư vào đất phi nông nghiệp còn lại mà cơ sở tôn giáo đang sử dụng…;

  • Quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai: Các cơ sở tôn giáo là người khiếu nại, đương sự trong các vụ án dân sự, hành chính hoặc trong các yêu cầu giải quyết vi phạm pháp luật về đất đai theo quy định.

=> Đây là 7 quyền cơ bản, chung nhất của các cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất.

Có được chuyển nhượng đất cơ sở tôn giáo không?

Căn cứ khoản 2 Điều 173 Luật Đất đai 2013 về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất sử dụng đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất như sau:

2. Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất.

=> Suy ra, cơ sở tôn giáo được sử dụng đất thông qua hình thức được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất (khoản 5 Điều 54 Luật Đất đai 2013, khoản 3 Điều 28 Nghị định 43/2014/NĐ-CP) không được quyền chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất.

Kết luận: Cơ sở tôn giáo sử dụng đất cơ sở tôn giáo có các quyền chung như những người sử dụng đất khác và không được quyền chuyển nhượng, tặng cho đất cơ sở tôn giáo được Nhà nước ghi nhận quyền hợp pháp.

Trên đây là giải đáp về đất cơ sở tôn giáo là gì? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Đất tín ngưỡng là gì? Phân biệt với đất cơ sở tôn giáo thế nào?

>> Những trường hợp nào giao đất không thu tiền sử dụng đất?

Có thể bạn quan tâm

X