hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 27/06/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Đất tín ngưỡng là gì? Phân biệt với đất cơ sở tôn giáo thế nào?

Đất sử dụng với mục đích tín ngưỡng (đất tín ngưỡng) là một trong những loại đất được hiểu là được sử dụng với mục đích văn hóa của cộng đồng dân cư. Vậy, đất tín ngưỡng được hiểu như thế nào? Phân biệt với đất cơ sở tôn giáo thế nào? Đất tín ngưỡng có được tham gia giao dịch không?

 

Câu hỏi: Xin chào Luật sư, tôi đang tìm hiểu về đất tín ngưỡng và có một số câu hỏi mong được Luật sư giải đáp như sau:

1. Đất tín ngưỡng là loại đất gì? Phân biệt nó với đất cơ sở tôn giáo thế nào?

2. Đất tín ngưỡng có được tham gia giao dịch mua bán/chuyển nhượng không?

Chào bạn, liên quan đến các vấn đề mà bạn vướng mắc về đất tín ngưỡng, chúng tôi giải đáp như sau:

Đất tín ngưỡng là gì? 

Đất tín ngưỡng được hiểu là loại đất mà trên đó có công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ của cộng đồng dân cư (Điều 160 Luật Đất đai 2013). Đất tín ngưỡng là một trong những loại đất thuộc nhóm đất phi nông nghiệp và có thời hạn sử dụng là ổn định, lâu dài.

Phân biệt đất tín ngưỡng với đất cơ sở tôn giáo thế nào?

Hiện nay, vẫn có nhiều người chưa phân biệt được hai loại đất sử dụng với mục đích sinh hoạt văn hóa, tinh thần của cộng đồng dân cư là đất cơ sở tôn giáo và đất tín ngưỡng. Thông thường, việc phân biệt đất tín ngưỡng, đất cơ sở tôn giáo dựa trên những tiêu chí sau đây:

Tiêu chí

Đất tín ngưỡng

Đất cơ sở tôn giáo

Giống nhau

Đều là các loại đất được sử dụng với mục đích văn hóa, phục vụ đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư và cùng thuộc nhóm đất phi nông nghiệp với thời hạn sử dụng ổn đinh, lâu dài.

Khác nhau

Đối tượng sử dụng đất

Cộng đồng dân cư (khoản 3 Điều 5 Luật Đất đai 2013) gồm: Cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ;

Các cơ sở tôn giáo (khoản 4 Điều 5 Luật Đất đai 2013) gồm: Chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo

Người chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc sử dụng đất

Người đại diện cho cộng đồng dân cư (ví dụ: Trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố hoặc người được cộng đồng dân cư thỏa thuận cử đối với việc sử dụng đất đã giao, công nhận cho cộng đồng dân cư đó) (khoản 3 Điều 7 Luật Đất đai 2013)

Người đứng đầu cơ sở tôn giáo (chịu trách nhiệm đối với đất đã giao cho cơ sở tôn giáo) (khoản 4 Điều 7 Luật Đất đai 2013)

Mục đích sử dụng đất

xây dựng các công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ của cộng đồng dân cư

(Điều 160 Luật Đất đai 2013)

là phần diện tích đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, hoặc đất dùng để xây dựng trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động theo quy định

(Điều 159 Luật Đất đai 2013)

Hình thức sử dụng đất

Nhà nước giao, được công nhận, được nhận chuyển quyền sử dụng đất

Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất (Điều 159 Luật Đất đai 2013) hoặc được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, mượn của tổ chức/hộ gia đình/cá nhân hoặc tự tạo lập/ hoặc nguồn gốc khác (Điều 28 Nghị định 43/2014/NĐ-CP)

Cấp Giấy chứng nhận

Được cấp Giấy chứng nhận (ngoại trừ trường hợp đất tín ngưỡng được Nhà nước giao) (Điều 8, Điều 99 Luật Đất đai 2013, Điều 19 Nghị định 43/2014/NĐ-CP)

Được cấp Giấy chứng nhận (Điều 28 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, Điều 102 Luật Đất đai 2013)

Quy định về việc sử dụng đất

+ Đúng mục đích;

+ Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

+ Việc xây dựng, mở rộng các công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ của cộng đồng phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, chấp thuận

+ Thực hiện theo Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc giao đất cho cơ sở tôn giáo dựa trên chính sách về tôn giáo của Nhà nước;

+ Và theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt

Như vậy, đất tín ngưỡng là loại đất mà do cộng đồng dân cư sử dụng với mục đích làm đình, đền, miếu, am… Loại đất này có thời hạn sử dụng ổn định, lâu dài và thuộc nhóm đất phi nông nghiệp.

dat tin nguong la gi


Đất tín ngưỡng có được chuyển nhượng không?

Trước hết, đối tượng sử dụng đất tín ngưỡng là cộng đồng dân cư (là người Việt Nam cùng sinh sống trong phạm vi địa giới hành chính là thôn, làng, ấp,...).

Đối tượng sử dụng đất tín ngưỡng có thể là được Nhà nước giao, xin công nhận hoặc nhận tặng cho… Việc chuyển nhượng (mua bán/chuyển quyền) sử dụng đất cơ sở tôn giáo được quy định tại Điều 181 Luật Đất đai 2013 như sau:

Điều 181. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất

1. Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này.

2. Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

=> Do đó, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất tín ngưỡng thì không được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Kết luận: Người sử dụng đất tín ngưỡng không được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đồng thời, không được chuyển đổi, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về đất tín ngưỡng là gì? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Trường hợp nào bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai?

>> Chế độ sở hữu đất thế nào qua Luật Đất đai các thời kỳ?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X